Hơn 1 tháng giãn cách xã hội khiến mọi hoạt động mua bán BĐS tại Tp.HCM ngưng trệ. Trong đó, phân khúc đất nền vốn chộn rộn ở thời điểm sau Tết Nguyên đán, hiện gần như "đứng" giao dịch.
Một nhà đầu tư kiêm môi giới BĐS tại Tp.Thủ Đức (Tp.HCM) cho biết, đây giống như thời điểm "ngủ đông" của BĐS Tp.HCM. Hơn một tháng nay, việc rao bán đất nền gần như không phát sinh giao dịch, việc đi xem đất lại càng bất khả thi. Theo đó, đây là thời điểm dân môi giới nghỉ ngơi, gồng mình sống qua dịch bệnh.
Theo NĐT này, cách đây không lâu, khi dịch mới "chớm" đợt 4, hoạt động mua bán, xem đất, chốt giao dịch vẫn diễn ra sôi động ở Tp.Thủ Đức. Nhiều nền đất có sổ được sang nhượng nhanh chóng mặc dù mặt bằng giá đã khá cao. Bên cạnh nhà đầu tư thì người mua thực cũng dồn về đây tìm cơ hội mua đất xây nhà ở. Tuy nhiên, dịch bùng phát khiến mọi hoạt động ngưng trệ, đất nền vì thế cũng lặng sóng theo.
Khi được hỏi, hiện giá đất có đi xuống so với giá sau Tết Nguyên đán?, nhà đầu tư này cho hay, giá cả hiện chỉ dừng đà tăng thôi chứ không giảm giá, cũng không có hiện tượng nhà đầu tư gửi môi giới bán lại nhanh hay bán dưới giá mua vào. "Có thể, nhà đầu tư vẫn đợi chờ Covid đi qua để kì vọng lợi nhuận ở phân khúc này. Bởi hầu hết các nhà đầu tư mà mua được đất Tp.HCM thì tài chính của họ cũng tương đối vững nên chưa vội vàng", nhà đầu tư này khẳng định.
Ghi nhận cho thấy, ở phân khúc đất nền tại Tp.HCM chủ yếu tập trung ở khu vực Tp.Thủ Đức, một phần các huyện phía Tây TP là còn nguồn cung thứ cấp ra thị trường. Do những đợt sốt đất đi qua, mặt bằng giá đất nền các khu vực này đã tăng cao. Tuy vậy, nhu cầu tìm đất của người mua thực và giới đầu tư vẫn còn nên thời gian gần đây, thị trường thứ cấp ở phân khúc này vẫn diễn biến tốt. Đặc biệt, do khan hiếm nguồn cung mới kết hợp thông tin tốt về hạ tầng nên mức độ tăng giá thứ cấp của đất nền vẫn tăng cao.
Theo DKRA Vietnam, trong tháng qua, thị trường đất nền Tp. HCM tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Riêng trong tháng 5/2021 không ghi nhận dự án mới mở bán. Nguyên nhân đến từ việc quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm, rào cản trong việc hoàn thành pháp lý đã giới hạn số dự án được giới thiệu ra thị trường. Lượng tiêu thụ tập trung vào những dự án đã mở bán ở trước đó (sản phẩm tồn kho) với giao dịch khiêm tốn.
Khi quỹ đất tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm, mặt bằng giá bán tại Tp.HCM tăng cao, thúc đẩy CĐT dịch chuyển sang các tỉnh giáp ranh để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Như vậy, một lượng nhà đầu tư rời Sài Gòn đi tìm kiếm cơ hội ở vùng đất mới kết hợp nguyên nhân Covid-19 khiến BĐS cũng lặng sóng thêm.
Tuy nhiên, theo DKRA Vietnam, giữa tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, lãi suất ngân hàng ở mức thấp, bất động sản đặc biệt là đất nền vẫn là kênh đầu tư có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trung và dài hạn. Đặc biệt các dự án kết nối thuận lợi về giao thông, nằm trong khu dân cư hiện hữu, vùng địa phương có quy hoạch hạ tầng phát triển mạnh mẽ, tiềm lực tài chính của CĐT trong việc chỉnh trang tiện ích cũng như đảm bảo tiến độ ra sổ cho khách hàng.
Không chỉ tại Tp.HCM, nhìn tổng quan các địa phương khác, phân khúc đất nền cũng lặng sóng vì Covid-19. Báo cáo quý 2/2021 của Batdongsan.com.vn đã chỉ ra, từ thời điểm tháng 4 đến tháng 6/2021, lượng tìm kiếm, quan tâm đất nền trên các chợ trực tuyến lao dốc trùng với đợt Covid-19 lần thứ tư và đà hạ nhiệt sốt đất. Theo đơn vị này, không khí trầm lắng, gần như "tắt điện" của đất nền khác hẳn so so với không khí quý đầu năm. Kể từ nửa cuối tháng 4, mức độ quan tâm đến thị trường xuất hiện nhiều dấu hiệu sụt giảm cùng với sự hạ nhiệt của cơn sốt đất nền.
Cụ thể, nhu cầu tìm kiếm của toàn thị trường địa ốc trực tuyến tháng 4/2021 giảm gần 18% so với tháng 3. Đất nền là phân khúc có lượt quan tâm giảm mạnh nhất (gần 21%). Trong đó, các tỉnh thành có mức giảm mạnh nhất là Hải Phòng (34%), Bắc Ninh (29%), Đà Nẵng (21%). Đây đều là những khu vực xảy ra sốt đất với lượt quan tâm đạt đỉnh trong quý đầu năm. Khu vực phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu từng nóng lên hồi đầu năm cũng đều suy giảm mức độ quan tâm.
Từ tháng 5 đến nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp giáng thêm cú đấm bồi khiến thị trường địa ốc thêm trầm lắng. Dù đã trải qua nhiều đợt dịch trước đó và có kinh nghiệm thích nghi, bất động sản vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đa nguồn lây và đa biến chủng. Thời điểm này mức độ quan tâm đến đất nền tiếp tục sụt giảm mạnh Bắc Giang (giảm 49%), Bắc Ninh và Hà Nam (sụt xuống 46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%) - đây cũng là những địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm cộng đồng trong đợt bùng phát dịch vừa qua.
Theo đánh giá của đơn vị này, trong cơn sốt đất diễn ra hồi quý 1/2021, nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường đã đẩy giá đất nền đã tăng lên ngưỡng cao. Từ nửa cuối tháng 4, thị trường bắt đầu hạ nhiệt, giá chững và nhu cầu giảm. Sang tháng 5 và 6, thị trường gặp khó do dịch bệnh bùng phát mạnh trở lại, khiến dòng tiền và sự quan tâm của thị trường bị phân hóa mạnh. Nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn những tài sản có mức giá tăng chưa cao, mặt bằng giá còn thấp để cân nhắc quyết định dịch chuyển dòng tiền.
Theo các chuyên gia, thực tế Covid đã làm xáo trộn tâm lý của nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS. Thay vì xuống tiền nhanh chóng thì họ cẩn trọng hơn, xu hướng bảo trọng dòng tiền vì dịch còn diễn biến phức tạp đã khiến thị trường BĐS nói chung, đất nền nói riêng bị ảnh hưởng mạnh về giao dịch. Mặc dù nhu cầu còn lớn nhưng ở thời điểm này, dòng tiền của nhà đầu tư có phần "khựng lại" vì lo lắng dịch bệnh cũng là điều dễ hiểu. Tuy vậy, có một số dự báo, khi dịch được kiểm soát ổn định, đất nền là phân khúc dễ nóng sốt trở lại bởi đây vẫn là loại hình nhận được sự quan tâm của nhiều nhà dầu tư.
Đất nền Sài Gòn lặng sóng vì Covid-19 - Cafef.vn
Read More
No comments:
Post a Comment