Mô hình "3 tại chỗ" thực tế vẫn có thể thành công nếu kiểm soát tốt công nhân đầu vào và phòng ngừa sẵn kịch bản rủi ro nếu có F0.
Sau chưa đầy một tháng thực hiện, nhiều nhà máy ở phía Nam áp dụng mô hình "3 tại chỗ" đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều chủ doanh nghiệp cho biết muốn từ bỏ vì áp lực quá lớn khi dịch bệnh bùng phát ở bên trong.
Là lãnh đạo của một trong những địa phương thực hiện tốt mô hình 3 tại chỗ thời gian trước, ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Bắc Ninh thừa nhận với VnExpress "đây là việc rất khó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ".
Bắc Ninh để giữ cho các nhà máy không bị Covid-19 "xuyên thủng", phải chuẩn bị chi tiết trước khi bắt tay thực hiện.
"Chúng tôi nhiều lần nhấn mạnh các thách thức của 3 tại chỗ với doanh nghiệp và yêu cầu họ khi tham gia phải rất cẩn thận, nghiêm túc", ông Tuấn nói.
Một trong những điểm quan trọng nhất, đảm bảo cho sản xuất an toàn của Bắc Ninh, là kiểm soát công nhân đầu vào.
Ông Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng quản lý lao động Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, công nhân ít nhất phải trải qua 3 lần xét nghiệm (1 xét nghiệm nhanh, 2 lần xét nghiệm PCR) mới được vào nhà máy.
Các doanh nghiệp trong thời kỳ này chỉ được sử dụng công nhân trong biên chế, không phải thời vụ. Ban đầu, nguồn công nhân được sơ loại bằng cách chọn lọc ở các vùng tương đối an toàn, không phát sinh nhiều dịch bệnh. Những người này sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 sẽ được đưa về các khu lưu trú tập trung của công ty. Theo quy định, mỗi nhà lưu trú chỉ có nhân viên của một công ty.
Sau đó, công nhân tiếp tục được xét nghiệm PCR lần một với Covid-19 trước khi xét nghiệm lần hai cũng bằng phương thức này vào 3-5 ngày tiếp theo để được vào nhà máy làm việc. Các bước này, theo ông Sơn nhằm loại bỏ các rủi ro công nhân có thể mang theo mầm bệnh vào khu sản xuất.
Để bảo vệ nguồn công nhân "sạch" virus sau sàng lọc, các khu nhà lưu trú này đều có đội an toàn Covid-19 để quản lý. Bên ngoài toà nhà được lắp camera giám sát ngăn chặn sự tiếp xúc từ bên ngoài.
Công ty có thể bố trí cho lượng công nhân này ăn, ở ngay trong nhà máy hoặc đưa đón hàng ngày từ nhà lưu trú đến công ty, miễn đảm bảo được điều kiện biệt lập.
"Các vị trí ngồi trên xe hay vị trí ngồi ăn đều được xác định rõ cho từng người. Ghế nào chính xác ghế đấy, đi làm đúng một xưởng, ăn đúng một vị trí rồi về", ông Sơn cho biết. Do vậy, nếu có ca nào dương tính, doanh nghiệp có thể khoanh vùng, xử lý được ngay.
Các nhà máy ở Bắc Ninh cũng chuẩn bị một lượng công nhân "sạch" virus, lưu trú tại các địa điểm trọ, sẵn sàng thay thế cho công nhân đang "3 tại chỗ" trong nhà máy khi cần thiết.
Công nhân tạm nghỉ việc ở các khu trọ được yêu cầu quản lý như F2 trong khu dân cư, đảm bảo chống dịch trong khi áp dụng Chỉ thị 16. Địa phương giao quy trách nhiệm cho từng chủ nhà trọ, công an khu vực nếu xảy ra tình huống công nhân bị nhiễm bệnh.
"Bắc Ninh quy định rõ công nhân ở nhà và các hộ kinh doanh xung quanh khu lưu trú không được bán hàng cho những người này. Việc mua bán thực phẩm, nhu yếu phẩm sẽ được tập trung qua một đầu mối.", ông Tuấn nói.
Khi bước vào sản xuất, để virus không thể xâm nhập, các doanh nghiệp cũng tập trung bịt kín các khe hở có thể có.
Ông Sơn cho biết, theo phân tích, virus có thể bám vào 4 nguồn để tấn công nhà máy.
Thứ nhất là lực lượng lao động tại nhà máy. Ngoài nguồn công nhân "sạch" virus, Bắc Ninh yêu cầu các lao động như bảo vệ, nhân viên bếp, vệ sinh (thường là thuê ngoài) cũng phải ở lại doanh nghiệp, xét nghiệm mỗi tuần một lần. Những người này khi làm việc ngoài khẩu trang phải đeo thêm kính chắn. Xung quanh nhà máy cũng được lắp camera theo dõi và đội ngũ bảo vệ kiểm tra, tránh công nhân tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài.
Thứ hai là đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Bên cạnh thời gian cách ly sau nhập cảnh theo quy định, địa phương yêu cầu những người này tự cách ly thêm 14 ngày mới được vào nhà máy. Các chuyên gia cũng được bố trí ở tại những khu lưu trú tập trung và hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với các mầm bệnh.
Thứ ba là với các xe vận chuyển hàng hoá ra vào. Tài xế được yêu cầu giấy xét nghiệm hiệu lực trong 72 tiếng. Họ sẽ phải đeo kính giọt bắn và được bố trí địa điểm riêng tại nhà máy, tránh tiếp xúc với công nhân. Xe cũng được phun khử khuẩn.
"Ở nhiều doanh nghiệp, họ còn đẩy lên mức cao hơn là xe sau khi phun khử khuẩn, lái xe của công ty sẽ đánh xe vào nhà máy, dỡ hàng, sau đó trả xe cho tài xế. Giấy tờ được bàn giao không tiếp xúc", ông Tuấn cho biết.
Cuối cùng là các đối tác của công ty. Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp cấm tuyệt đối những người đến từ vùng dịch. Với những khách đã đảm bảo an toàn dịch tễ, công ty bố trí các phòng làm việc riêng, khi làm việc tuân thủ nguyên tắc 5K và sau khi khách về, nhân viên vệ sinh lập tức phun khử khuẩn.
"Trong nhà máy, một tuần một lần, chúng tôi sẽ lấy mẫu xét nghiệm 30% nhân viên công ty, trong đó, tập trung vào các đối tượng có yếu tố dịch tễ phức tạp như lái xe, lễ tân...", ông Sơn nói thêm.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng có các phương án xử lý các ca nhiễm F0 nếu chẳng may xuất hiện trong nhà máy.
Theo ông Vương Quốc Tuấn, tỉnh đã giao trách nhiệm cho các chủ tịch UBND huyện nơi doanh nghiệp hoạt động tham gia chỉ đạo tình huống doanh nghiệp có F0.
"Đấy không phải việc của doanh nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp dù doanh nghiệp cũng có phương án xử lý", ông Tuấn nhấn mạnh.
Trước khi cho doanh nghiệp hoạt động, ông cho biết, tỉnh đã tổ chức nhiều lần diễn tập mẫu các tình huống khi F0 xuất hiện trong nhà máy cho doanh nghiệp quan sát, học hỏi và mô phỏng lại.
"Các quy trình phải rất nghiêm ngặt, nếu không nghiêm ngặt được thì không nên làm", Phó chủ tịch Bắc Ninh nhấn mạnh một lần nữa. Trong quá trình doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, Bắc Ninh đã thành lập 40 tổ công tác để kiểm tra, nhà máy nào không đáp ứng được yêu cầu, sẽ buộc ngừng hoạt động.
Đến nay, các doanh nghiệp của Bắc Ninh đã được chuyển sang trạng thái bình thường mới với các phương pháp nới lỏng phù hợp hơn. Việc chống dịch trong khu công nghiệp thành công đã giúp cho địa phương này thực hiện được mục tiêu vừa chống dịch, vừa giữ cho sản xuất không bị đứt gãy.
Nhìn lại, ông Sơn đánh giá, 3 tại chỗ có lẽ là phương án tốt nhất tại để doanh nghiệp vẫn sản xuất ở mức tối thiểu nhằm giữ chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị thật tốt, trong đó, phải đả thông được tư tưởng cho người lao động để họ cùng đồng cam cộng khổ, cùng vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, các chính sách cũng phải linh động. Bởi, các điều kiện lúc này đang được ví như thời chiến, chứ không phải thời bình để nhất nhất áp dược những công thức cứng nhắc.
Bạn có đang bị ảnh hưởng công việc và thu nhập vì Covid-19? Nếu có, đừng bỏ qua khảo sát tại đây - được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress. Kết quả khảo sát sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, làm cơ sở đưa ra các giải pháp cho tình trạng hiện tại.
Phương Ánh
Công thức giữ nhà máy ‘3 tại chỗ’ an toàn của Bắc Ninh - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment