Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã kêu gọi 5.000 chữ ký trực tuyến, kiến nghị Chính phủ với mong muốn được "cấp cứu" kịp thời.
Trao đổi với VnExpress, ông Lâm Minh Chánh, CEO BizUni, Đồng sáng lập Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp - đại diện nhóm doanh nghiệp soạn đơn - cho biết, suốt 6 tháng qua, dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đang phải "thở oxy". Hiện, đây là nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất và đang gặp khá nhiều khó khăn.
Theo ông Chánh, số liệu thống kê của cơ quan Nhà nước cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97,8% số doanh nghiệp cả nước, song các doanh nghiệp này đang gặp hàng loạt khó khăn khi phải ngừng hoạt động, chi phí "3 tại chỗ" tăng cao, nặng gánh phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội...
"Trước những khó khăn trên, lãnh đạo 11 doanh nghiệp đã đồng soạn thảo kiến nghị và đăng tải lên website, kêu gọi đủ 5.000 chữ ký online sẽ in và chuyển văn bản đến Chính phủ", ông Chánh thông tin và cho biết, tới nay đã có gần 1.200 chữ ký, sẽ tiếp tục tăng và hoàn thành trong những ngày tới.
Nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp trên cho biết chọn cách này vì muốn kêu gọi doanh nghiệp chung tay vượt qua đại dịch và mong Chính phủ thấu hiểu cũng như gần với doanh nghiệp hơn.
Để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm sức mạnh, duy trì qua đại dịch, nhóm này đề nghị Chính phủ hỗ trợ ở 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến người lao động, thuế - chi phí, và tài chính - ngân hàng.
Đối với chính sách liên quan đến người lao động, các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ bằng cách cho tạm ngừng đóng Bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch. Không áp dụng phạt đối với các doanh nghiệp không có khả năng đóng Bảo hiểm xã hội trong thời kỳ đại dịch.
Doanh nghiệp kiến nghị miễn giảm 100% phí Bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thời gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội, có chính sách hỗ trợ khẩn cấp đối với người lao động đã và đang hoàn thành đầy đủ trách nhiệm đóng Bảo hiểm xã hội cho đến hiện tại.
Với chính sách thuế và chi phí, các doanh nghiệp mong muốn được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022 - 2023, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế của 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Song song đó, các doanh nghiệp đề nghị được chấp nhận tất cả loại chi phí phát sinh trong đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra như xét nghiệm, chi phí chống dịch và "3 tại chỗ".
Riêng về vấn đề liên quan chính sách tài chính-ngân hàng, các doanh nghiệp kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.
Thi Hà
11 doanh nghiệp kêu gọi 5.000 chữ ký cầu cứu Chính phủ - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment