Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng - Ảnh: H.K
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trưa 16-8, ông Nguyễn Văn Quảng nói: "Chúng tôi biết khi thực hiện biện pháp chống dịch mạnh mẽ này người dân sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng mong người dân hãy đồng hành cùng thành phố. Dịch đang ở mức nguy cơ rất cao nên chúng tôi không thể chần chừ, buộc lòng phải áp dụng biện pháp mạnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân thành phố là trên hết, trước hết".
Không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh
* Thưa ông, vì sao Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng họp và thống nhất áp dụng biện pháp chống dịch theo kiểu "ai ở đâu thì ở đó"? Đây được xem là quyết định lịch sử, cấp độ chống dịch ở mức cao chưa từng có?
- Như chúng ta đã nhìn thấy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang diễn biến rất nhanh và ở mức độ rất nguy hiểm. Từ ngày 10-7-2021 đến nay, với chủng Delta đã ghi nhận 1.779 ca dương tính với 14 người tử vong. Hiện đang điều trị khoảng 1.400 ca, trong đó có hơn 50 ca bệnh nặng có nguy cơ tử vong.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị sớm, nhưng hiện nay năng lực của hệ thống y tế thành phố chỉ đáp ứng hơn 6.000 giường bệnh, cùng lực lượng y bác sĩ, máy thở để điều trị COVID-19, trong đó chỉ có 300 giường phục vụ điều trị hồi sức tích cực. Nếu để số ca bệnh tăng nhanh vượt qua các con số đó thì hệ thống y tế sẽ quá tải.
Khi mà hệ thống y tế quá tải thì chúng ta sẽ trả giá rất đắt, đó là tính mạng của nhân dân. Rút kinh nghiệm của các địa phương khác, chúng tôi quyết tâm áp dụng nhanh hơn, với các biện pháp mạnh trong những ngày tới là vì không để thành phố rơi vào tình trạng mất kiểm soát dịch bệnh, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống an toàn của người dân thành phố là trên hết, trước hết vào lúc này.
Biện pháp này đặt ra nhiều khó khăn thách thức, là "phép thử" lớn về năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp của thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy đã yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ thành phố tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực cho công việc hệ trọng này.
Trong thời gian 7 ngày này, lực lượng y tế của thành phố sẽ tập trung xét nghiệm đại diện hộ gia đình cho hơn 300.000 hộ dân trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các F0 để đưa người bệnh ra khỏi cộng đồng, cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.
* Cụ thể phương án chống dịch "ai ở đâu thì ở đó" được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Chỉ một số trường hợp thực thi công vụ mới được ra đường - Ảnh: HỮU KHÁ
- Thực hiện triệt để nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó", tức là người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà, khỏi nơi cư trú, nơi làm việc trong thời gian nhất định. Theo đó, chỉ những người thực hiện các hoạt động sau mới được ra ngoài gồm: các hoạt động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19; các hoạt động thực hiện vệ sinh môi trường đô thị; chăm sóc cây xanh đô thị; xử lý sự cố điện, cấp thoát nước, thông tin, viễn thông.
Thực hiện vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho các cơ sở y tế; vận chuyển phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; vận chuyển giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến địa điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước.
Nhóm hoạt động đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; xét nghiệm SARS-CoV-2; tiêm chủng COVID-19; người đi cách ly, hoàn thành cách ly y tế tập trung; xuất viện; đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé. Riêng hoạt động tang lễ tuân thủ các quy định của chỉ thị 05 của TP.
Yêu cầu những người thực hiện các hoạt động tại nơi làm việc, nơi sản xuất phải đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và phải xác định những nơi này là một điểm cách ly, phải tuân thủ tuyệt đối quy định "5K".
Đồng thời, thành phố đảm bảo cho người dân các nhu yếu phẩm thiết yếu; giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kết quả sau 7 ngày là căn cứ để ngành xác định đúng các "vùng xanh", "vùng vàng", "vùng cam", "vùng đỏ", trên cơ sở đó có các biện pháp kiểm soát phù hợp.
"30.000 hộ dân khó khăn được nhận hỗ trợ lương thực"
* Vấn đề quan tâm lớn nhất hiện nay khi áp dụng "ai ở đâu thì ở đó" là câu chuyện lương thực thực phẩm. Vậy thành phố đã có phương án cung ứng lương thực thực phẩm khi người dân phải ở yên tại nhà trong 7 ngày?
- Việc áp dụng triệt để các biện pháp "ai ở đâu phải ở đó" sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân, rất mong nhân dân thông cảm, chia sẻ, đồng thuận với các biện pháp này; thành phố đã có phương án cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong 7 ngày.
Chúng tôi đã chuẩn bị và có rất nhiều phương án. Bước đầu, xác định có khoảng 30.000 hộ dân thuộc trường hợp hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn đã huy động được nguồn tài trợ gồm đầy đủ lương thực, thực phẩm. Số quà này sẽ nhanh chóng chuyển đến tay các hộ dân. Các xã, phường tiếp tục nắm, thống kê những hộ khó khăn để thành phố tiếp tục hỗ trợ, không để ai thiếu lương thực, thực phẩm.
Đường sá vắng tanh, cán bộ tổ dân phố đang đến nhà dân để đưa phiếu đi xét nghiệm - Ảnh: HỮU KHÁ
Đối với các hộ có điều kiện, cần mua lương thực, thực phẩm thì đăng ký mua qua ban điều hành (gồm nhiều lực lượng ở khu dân cư, tổ dân phố); ban điều hành sẽ đặt mua từ những nhà cung ứng được thành phố chỉ định và người của ban điều hành đưa đến tận nhà cho người dân.
Thành phố đã chuẩn bị quy trình cung ứng hàng hóa từ ngoài vào thành phố; đến nhà cung ứng tổng; sau đó vận chuyển đến phường, xã. Từ phường, xã đến khu dân cư và từ khu dân cư đến người dân. Thành phố đã yêu cầu rút kinh nghiệm từ các khu cách ly y tế ở quận Sơn Trà, ngành công thương phải tìm nhà cung ứng có năng lực và có kho dự trữ bảo đảm, có hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp hoặc liên kết tốt với hệ thống bán lẻ để bảo đảm việc cung ứng kịp thời đến các phường, xã.
Thành phố đã chủ động đặt hàng các đơn vị cung ứng lớn, đảm bảo nguồn hàng không đứt gãy. Ngoài ra, sẽ tổ chức bán hàng bằng xe lưu động, bán hàng thông qua tổ giám sát phòng chống COVID-19. Trong thời gian tới, thành phố sẽ đánh giá để sớm khôi phục chợ đầu mối Hòa Cường, chợ truyền thống ở "vùng xanh". Khi hoạt động trở lại sẽ thực hiện phương án cho một số tiểu thương có đủ điều kiện hoạt động bán hàng thiết yếu.
Bí thư Đà Nẵng: 7 ngày 'ai ở đâu thì ở đó' để cắt đứt các chuỗi lây nhiễm - Tuổi Trẻ Online
Read More
No comments:
Post a Comment