Sáng 31-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan chủ trì Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Diễn đàn có sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp. Mục đích của Diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.
Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu
Thị trường quyết định chứ không phải người sản xuất
Mở đầu diễn đàn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết theo dõi trên mạng, thấy sự háo hức đón chờ ngày khai mạc diễn đàn từ Bắc chí Nam. Điều này cho thấy chúng ta đang hướng về cách làm việc mới. Đây là công sức, ý tưởng của Tổ công tác 970 do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu.
"Tôi nhớ lần đầu tiên đi Hà Nội, thấy rất xa. Bây giờ ngồi tại Thủ đô, trái tim của cả nước, nói trực tiếp với 63 đầu cầu. Nói vậy để thấy công nghệ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, cùng nhau tìm hướng đi. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người e cách núi sông. Hôm nay chúng ta chính thức mở con đường mới, với đầu nguồn là Tổ công tác 970"- ông Lê Minh Hoan nói.
Công nghệ 4.0 kết nối người với vật được, vậy tại sao không kết nối trái xoài, trái chuối, kết nối ngành nông nghiệp?. "Chúng ta đặt ra những câu hỏi, thì sẽ tìm ra câu trả lời, tìm ra giải pháp. Đó mới là điều hữu hiệu, chứ không phải ngồi ca cẩm"- ông nói tiếp.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT, ngành nông nghiệp nhận được nhiều lời chúc mừng, cảm ơn của bà con nông dân, của các hợp tác xã. Đây không phải điều mới mẻ, nhưng là lần đầu tiên một tổ công tác của Bộ chuyên ngành làm điều này.
Trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh, thì nguyên lý kinh tế học là kết nối nguồn cung. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định.
Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN-PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.
Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài.
"Thị trường chỉ đáp ứng được, khi chúng ta tối ưu tiện ích cho người tiêu dùng, tối ưu sản xuất. Người tiêu dùng ngồi ở nhà cũng có nông sản được đưa đến tận nơi. Thấy tiện ích, người ta sẽ đặt hàng. Mở tổng cầu sẽ mở được tổng cung. Chúng ta cần thẩm thấu câu chuyện đơn giản này, để ban chỉ đạo phát triển thị trường, xúc tiến thị trường đưa ra những quyết sách phù hợp"- Bộ trưởng NN-PTNT cho hay.
Kiến nghị bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP HCM, cho biết thời gian vừa qua TP HCM gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên cơ sở đánh giá nhu cầu của 9,4 triệu dân TP HCM, bình quân mỗi ngày người dân thành phố cần khoảng 10.964 tấn lương thực thực phẩm, trong đó cần 1.981 tấn gạo, 660 tấn lương thực khô, 755 tấn thịt gia súc, 660 tấn thịt gia cầm. Trung bình nhu cầu tiêu dùng trong 1 tuần của TP HCM là 76.747 tấn.
Hệ thống bán hàng của Saigon Co-op
Thời gian qua, Sở Công Thương và Sở NN-PTNT TP HCM đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm. Trong đó Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng mặt hàng nông sản cho người dân.
Nguồn cung của Thành phố được phân phối qua 106 siêu thị, 2.895 cửa hàng tiện lợi và 27 chợ truyền thống. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã tổ chức các điểm bán lưu động, sản xuất lương thực thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Qua diễn đàn, ông Hiệp kiến nghị 4 vấn đề: Thứ nhất, đề nghị Bộ NN-PTNT kiến nghị Chính phủ bổ sung các HTX vào đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thứ hai, thời điểm hiện nay việc thông tin kịp thời về cung cầu trong điều kiện giãn cách, dịch kéo dài rất quan trọng. Do đó, cần tăng cường nâng cấp hệ thống đăng ký mua sắm online. Thứ ba, cần đẩy mạnh triển khai việc kết hợp với các ứng dụng giao hàng trực tuyến. Thành lập các kho trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc điều phối các gói cung ứng. Thứ tư, cần tăng cường nguồn nhân lực để cung ứng cho người dân.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP HCM (Saigon Co-op), cho biết là một đơn vị hợp tác xã, cho nên rất mong muốn được hỗ trợ trong chính sách chung. Bởi tình hình chung là một số đơn vị đã phải ngưng hoạt động, không vượt qua được khó khăn trong đại dịch.
Tại diễn đàn, ông Đức cũng cho biết Saigon Co-op sẽ tăng cường kết nối với nguồn nông sản của từng địa phương. Ngoài việc tập trung cho TP HCM và Bình Dương, Saigon Co-op sẽ kết nối thêm với các tỉnh còn lại. "Chúng tôi sẽ thu mua, kết nối với các vùng, địa phương chưa có sự hiện diện của sàn Co-op. Hy vọng các địa phương, bà con hỗ trợ giới thiệu"- ông Đức khẳng định.
Việc thứ hai, sàn Saigon Co-op đang thực hiện nhiều kênh bán hàng khác nhau, phù hợp với xu thế, tình hình dịch bệnh. Ngoài sàn điện tử, còn có gói mua chung, đi chợ hộ. Việc phát triển nông sản tại các địa phương cũng nên theo xu hướng này.
"Nghĩa là chúng ta phát triển sản phẩm phù hợp nhu cầu online, ngay cả khâu đóng gói. Chúng tôi mong muốn các đầu mối của Tổ công tác 970 truyền tải thông tin này. Bây giờ không phải là lúc chúng ta hoảng sợ trước dịch bệnh, mà là phát triển đi lên"- lãnh đạo Saigon Co-op cho biết.
Cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Tạo hạnh phúc cho người nông dân, chúng ta sẽ nhận được nụ cười mỗi tối trước khi đi ngủ.
"Nếu như trước đây, nhắc đến nông sản là người ta nghĩ đến giải cứu, giờ chúng ta phải thay đổi. Nông sản là phải nâng niu. Tất cả, từ người sản xuất, tiêu dùng, đến doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng thay đổi, để thay đổi, phát triển hình ảnh, chất lượng, giá trị của nông sản".
Theo Bộ trưởng NN-PTNT, chỉ khi nào chuyển biến triệt để là tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị gia tăng.
Một suy nghĩ nữa cần thay đổi, là khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao. Nông dân là người làm ra của cải, nhưng chỉ duy trì phát triển nếu có thêm giá trị từ người kinh doanh.
"Kết nối nông sản sẽ kết nối được con người. Chúng ta cần trân quý những người tạo ra giá trị cho nông sản Việt. Đó là giá trị chiều sâu của diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản này, cũng là phương hướng chúng ta phải đi"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Chúng ta phải bán cái thị trường cần - Người Lao Động
Read More
No comments:
Post a Comment