Nhiều doanh nghiệp bán lẻ tại Hà Nội lo lắng khi nhân viên thuộc diện nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2, do tiếp xúc nhiều người, nhưng chưa được ưu tiên tiêm vaccine.
Làm ca tối nên tới 23h, chị Nguyễn Thị Lan (28 tuổi, nhân viên siêu thị tại quận Hà Đông) mới về đến nhà. Dịch bệnh đang bùng phát mạnh tại Hà Nội khiến chị Lan và gia đình lo lắng việc mỗi ngày, chị phải tiếp xúc với hàng nghìn khách hàng.
“Nghe tin ổ dịch Công ty thực phẩm Thanh Nga đã lây cho nhân viên ở 4 siêu thị và một khách sạn tại Hà Nội, tôi càng có ý thức tự bảo vệ mình. Có khi ngay cả họ cũng không biết mình đang bị nhiễm”, chị Lan nói và tâm sự nhiều lúc người thân, bạn bè cũng bảo hay thử tìm công việc khác đi, chị thì nghĩ có việc làm thời buổi dịch bệnh như thế này đã là may mắn lắm rồi.
Hiện tại, mong muốn của chị Lan không phải là có một công việc mới an toàn hơn, mà là được tiêm vaccine Covid-19.
Nguy cơ trở thành ổ dịch
Tình hình dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, các cơ sở, doanh nghiệp bán lẻ đang phải dốc toàn lực để cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nguy cơ lây lan dịch bệnh vào các chợ, hệ thống bán lẻ vì thế cũng là rất lớn.
Trao đổi với Zing, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nhìn nhận tình huống dịch bệnh tấn công vào chợ và siêu thị trên địa bàn thành phố khiến nhiều khu vực đóng cửa, phong tỏa rất dễ phát sinh.
“Xác suất lây nhiễm cao nhất là ở nơi đông người, mà chợ dân sinh, siêu thị là nơi nhiều người lui tới do cung cấp dịch vụ, hàng hóa thiết yếu”, ông Tuấn nói.
Đặc thù công việc của nhân viên siêu thị là tiếp xúc với rất nhiều người. Ảnh: Nhật Sinh. |
Thực tế, Hà Nội đã quyết định tạm đóng cửa, cách ly y tế hàng loạt chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn liên quan ca mắc Covid-19. Bên cạnh đó, sau khi ghi nhận ổ dịch tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, hàng chục siêu thị, cửa hàng bán thực phẩm tại nhiều khu vực của Vinmart cũng phải dừng hoạt động.
Để hạn chế phần nào nguy cơ, quận, huyện trên địa bàn TP áp dụng phiếu đi chợ, hạn chế lượt người đi mỗi ngày và phải đi khung giờ cố định. Ban quản lý chợ cũng được yêu cầu lập danh sách chi tiết gồm tên, địa chỉ người vào chợ để sẵn sàng truy vết nếu cần thiết.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc VinCommerce (công ty con của Tập đoàn Masan), cho rằng nguy cơ lây nhiễm, phơi nhiễm dịch Covid-19 với nhóm nhân viên bán hàng tại siêu thị là rất lớn, bởi dù tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, hàng ngày đối tượng này phải tiếp tục với hàng triệu lượt khách hàng.
“Việc bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng là góp phần bảo vệ chuỗi cung ứng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống lây lan dịch bệnh”, bà Phương nói.
Tiêm vaccine cho nhân viên siêu thị để bảo vệ chuỗi cung ứng
Đại diện Masan cho biết tổng cộng tập đoàn có gần 40.000 nhân viên làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân, nhưng mới chỉ có khoảng 6.600 nhân viên được tiếp cận nguồn vaccine.
Một vấn đề nữa được bà Nguyễn Thị Phương đề cập đến là việc chưa được tiêm vaccine Covid-19 khiến nhiều nhân viên cảm thấy bất an và lo ngại đến nơi làm việc.
“Chúng tôi bị ảnh hưởng lớn đến nguồn lực lao động khi tỷ lệ nghỉ việc của tập đoàn trong năm nay dự kiến lên đến 100% (nghỉ quay vòng, chủ yếu tập trung ở khối bán lẻ), cao nhất từ trước tới nay”, bà Phương nói.
Trong tháng 7, Tập đoàn Masan có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Y tế và UBND một số tỉnh phía Nam đề nghị được ưu tiên nguồn vaccine phòng dịch Covid-19 cho hệ thống nhà máy sản xuất thực phẩm và chuỗi bán lẻ. Trước đó, đơn vị này cũng bày tỏ ý kiến trên với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ.
Hoạt động của siêu thị bị gián đoạn có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Ảnh: Nhật Sinh. |
Ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi Big C và Go! miền Bắc (Tập đoàn Central Retail Việt Nam), cũng nhìn nhận việc xếp nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng được thông suốt trong mọi điều kiện dịch bệnh.
Ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc Aeon Việt Nam, cho biết đã làm việc với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đồng thời gửi công văn trình Bộ Công Thương và Chính phủ đề xuất xem xét đưa nhân viên nhóm ngành bán lẻ và phân phối vào đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19.
Đồng tình với kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ, chuyên gia Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khi nguồn vaccine còn khan hiếm, cần xác định đâu là nhóm cần "ưu tiên hơn" để vừa đảm bảo chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế.
“Nếu dịch Covid-19 tấn công vào các cơ sở bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhu yếu phẩm thì việc đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của người dân sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Phú nói.
Dựa trên đề xuất và nhu cầu của các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị đến Bộ Y tế và Bộ Công Thương.
“Nhân viên tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ cần được nhanh chóng tiêm vaccine phòng Covid-19 nhằm bảo vệ sức khỏe an toàn cho các doanh nghiệp bán lẻ, đồng thời tạo môi trường mua sắm an toàn cho người tiêu dùng. Với tính chất đặc thù, nhân viên của các doanh nghiệp bán lẻ mỗi ngày phải tiếp xúc hàng triệu lượt khách hàng, nguy cơ bị mắc Covid-19 là rất cao”, công văn có đoạn.
Trong công văn kiến nghị trình Thủ tướng, Bộ Công Thương cũng lý giải việc bổ sung này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh.
Tiêm vaccine cho nhân viên siêu thị để bảo vệ chuỗi cung ứng Hà Nội Masan ưu tiên tiêm vaccine cho bán lẻ chuỗi cung ứng hàng hóa mặt hàng thiết yếu tiểu thương nhân viên bán hàng trong siêu thị siêu thị
Doanh nghiệp bán lẻ lo lắng vì nhân viên chưa được tiêm vaccine - Zing.vn
Read More
No comments:
Post a Comment