Việc hằng năm phải trích tối thiểu 30% dự phòng cụ thể còn thiếu cho nợ cơ cấu vì Covid-19 theo các ngân hàng là điều khó khăn.
Hiệp hội Ngân hàng vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn trích lập dự phòng bổ sung hơn 3 năm (có thể lên 5 năm) cho nợ tái cơ cấu theo Thông tư 01 và Thông tư 03.
Việc kéo dài hạn trích lập giúp giảm tỷ lệ phân bổ trích lập dự phòng rủi ro, giảm tải áp lực tài chính cho các ngân hàng để vừa có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh và hỗ trợ khách hàng.
Hiệp hội ngân hàng cho rằng, quy định các ngân hàng phải trích tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể còn thiếu cho nợ tái cơ cấu đến hết năm nay (và tỷ lệ phân bổ tương ứng cho các năm tiếp) là khá lớn, rất khó cho các nhà băng.
Bên cạnh đó, các nhà băng cũng thắc mắc với trường hợp khoản nợ đã được cơ cấu giữ nguyên nhóm theo Thông tư 03, sau đó trả nợ đúng hạn theo lịch cơ cấu mới qua thời gian thử thách theo quy định Thông tư 02, có được xem đây là khoản nợ nhóm 1 thông thường. Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể để các nhà băng thống nhất cách hiểu.
Cũng theo quy định tại Thông tư 03, người đi vay được miễn, giảm lãi mặc dù được giữ nguyên nhóm nợ, nhưng nội bộ ngân hàng vẫn phải phân loại là nhóm 3 (theo quy định của Thông tư 02). Do đó, các nhà băng vẫn phải trích lập dự phòng bổ sung phần chênh lệch cho các khoản nợ miễn, giảm lãi.
Việc miễn, giảm lãi theo quy định tại Thông tư 03 với mục đích hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, về mặt bản chất không giống với việc miễn, giảm lãi cho khách hàng theo Thông tư 02 do không đủ năng lực tài chính trả lãi đầy đủ.
Các ngân hàng cho rằng, khách hàng được miễn giảm một phần lãi vay theo Thông tư 03 nhưng vẫn trả nợ đầy đủ lãi phát sinh các kỳ tiếp theo thì không nhất thiết phải trích lập dự phòng như nợ nhóm 3 theo quy định hiện tại. Đặc biệt, có khách hàng được miễn, giảm lãi với số tiền rất nhỏ nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro trên toàn bộ dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng đến tình hình tài chính cho ngân hàng và chưa phản ánh chính xác rủi ro của người đi vay.
Thông tư 01 và Thông tư 03 đều xây dựng trên quan điểm là cơ cấu "số dư nợ/khoản vay" của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Quan điểm này là phù hợp trong giai đoạn đầu của đại dịch. Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch gần đây cho thấy tác động của dịch là với toàn bộ nền kinh tế, không biệt đối tượng, ngành nghề hoạt động, chỉ khác nhau về mức độ ảnh hưởng.
Do vậy, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có quan điểm tiếp cận cơ cấu nợ "theo khách hàng" thay vì "theo dư nợ/khoản vay" khi tiến hành sửa Thông tư 03 trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 52 về việc xếp hạng tổ chức tín dụng, các khoản nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ sẽ bị tính vào tỷ lệ nợ xấu khi đánh giá chất lượng tài sản của ngân hàng. Do vậy, Hiệp hội ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trừ dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 khi tính xác định nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi xếp hạng các nhà băng.
Quỳnh Trang
Ngân hàng muốn lùi hạn trích lập dự phòng cho nợ cơ cấu vì Covid-19 - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment