Trong quá trình tìm hiểu thông tin về "siêu doanh nghiệp" Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu (đăng ký trụ sở kinh doanh tại số 143 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) đăng ký tăng vốn điều lệ lên gần 128 ngàn tỉ đồng, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận nhiều thông tin khá bất ngờ.

Ban đầu, công ty Toàn Cầu có vốn điều lệ khá khiêm tốn, ở mức 132 tỉ đồng vào năm 2018. Công ty này được sáng lập bởi 5 cổ đông cá nhân, bao gồm: Ông Bùi Văn Việt (18% vốn điều lệ), bà Phạm Thị Thành (36%), ông Đào Xuân Hậu (18%), ông Đỗ Công Đảng (18%) và ông Trần Đức Thủy (10%).

Đến tháng 6-2019, công ty này tăng mạnh vốn điều lệ lên 127.902,5 tỉ đồng, tương đương 5,5 tỉ USD. Trong đó, một cổ đông nước ngoài là David Aristole Phan (quốc tịch Mỹ) góp tới 51.161 tỉ đồng (tương đương 2,2 tỉ USD), chiếm 40% vốn điều lệ.

Thông tin bất ngờ về siêu doanh nghiệp 128.000 tỉ đồng ở Hà Nội - Ảnh 1.

Số 143 Trích Sài, nơi đăng ký trụ sở doanh nghiệp có vốn điều lệ 128 ngàn tỉ đồng

Ngày 23-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thành (65 tuổi, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ từ ngày thành lập.

- Phóng viên: Bà có thể nêu một vài nét khái quát về Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu, nơi bà đăng ký giữ 36% vốn điều lệ?

+ Bà Phạm Thị Thành: Tôi có quen biết ông Phan (tức David Aristole Phan - PV), hiện đang sinh sống ở Mỹ. Ông Phan có đề cập đến mong muốn đầu tư tại Việt Nam, muốn chuyển vốn về để đầu tư hạ tầng ở Việt Nam, một số công trình lớn như sân bay. Năm 2018, chúng tôi thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn Cầu, với vốn điều lệ 132 tỉ đồng, gồm 5 cổ đông.

Các cổ đông trong công ty đều quen biết nhau, anh Việt (tức Bùi Văn Việt - Tổng giám đốc) cũng là người quen biết với ông Phan. Ông Việt được giao làm Tổng giám đốc, còn một cổ đông khác ở Nam Định, là người quen biết với tôi. Một cổ đông khác trẻ tuổi nhất là anh Thủy (Trần Đức Thuỷ), có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng.

Chúng tôi thành lập công ty với mong muốn có nguồn vốn từ ông Phan để đầu tư, tất cả vì mục đích mang lại lợi ích cho đất nước, người dân.

- Đến nay, bà và những cổ đông khác đã góp bao nhiêu vốn vào công ty này?

+ Chúng tôi chưa góp đồng nào, tất cả đều chờ ông Phan về nước. Tôi đăng ký nắm giữ 36% vốn điều lệ, nhưng chưa góp đồng vốn nào, các cổ đông khác cũng vậy, chúng tôi chỉ đăng ký vai trò cổ đông mà thôi.

- Bà có nắm được các quy định khi đăng ký nhưng không góp đủ vốn, sẽ phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Thậm chí, bị xử phạt hành chính đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký?

+ Chúng tôi biết, công ty chúng tôi có luật sư, luật sư làm việc đó.

- Như bà vừa chia sẻ, vai trò quan trọng nhất tại công ty là ông David Aristole Phan, nguồn vốn đều từ cổ đông nước ngoài này?

Đúng vậy, chúng tôi làm gì có tiền, đã ai góp vốn đồng nào đâu. Tất cả đều là tiền của ông Phan, nhưng đến nay cũng chưa triển khai được do vướng dịch Covid-19, ông Phan không thể về nước. Năm 2018, ông Phan đã về nước một lần, chúng tôi đã trao đổi về việc thành lập và hoạt động của công ty, cũng như đã có những thăm dò về việc đầu tư.

Thông tin bất ngờ về siêu doanh nghiệp 128.000 tỉ đồng ở Hà Nội - Ảnh 2.

Công ty đăng ký tăng vốn điều lệ lên gần 128 ngàn tỉ đồng

- Từ ngày thành lập công ty vào năm 2018 đến nay, ông David Aristole Phan đã về Việt Nam lần nào chưa? Bà có thể thông tin cụ thể hơn về cổ đông này không?

+ Năm 2018, ông Phan có về nước khi thành lập công ty. Dự kiến tháng 2-2020 vừa qua, ông Phan sẽ về nước lần nữa để triển khai các kế hoạch, nhưng do dịch Covif-19 nên không thể về. Ông Phan đã đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn ở TP HCM nhưng vì dịch nên phải lùi lại.

Ông Phan, tên đầy đủ là Phan Toản, năm nay 70 tuổi, người gốc ở phố cổ (Hà Nội), nhưng sau đó theo gia đình vào Huế sinh sống, hiện đang ở Mỹ. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua điện thoại, vì dịch bệnh đã làm ngưng trệ mọi hoạt động.

- Theo thông tin từ cơ quan thuế Hà Nội, công ty chưa phát sinh doanh thu, chưa có bất cứ hoạt động nào?

+ Do ông Phan chưa về nước, chưa có vốn. Công ty vẫn đóng thuế môn bài đầy đủ, người thực hiện các nghĩa vụ thuế này là tôi. Tôi có kinh doanh nhà hàng ăn uống, có nhân viên kế toán, nên việc đóng khoản thuế môn bài do tôi phụ trách, tiền túi của tôi.

- Khi đăng ký tăng vốn điều lệ công ty lên gần 128 ngàn tỉ đồng (tương đương 5,5 tỉ đô), bà và các cổ đông trong nước có nhận thấy đây là số vốn rất "khủng" đối với một doanh nghiệp?

+ 5,5 tỉ đô là số tiền rất lớn. Khi ông Phan đề cập đến số vốn muốn góp về Việt Nam lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng, tôi có hỏi anh làm gì mà nhiều tiền như vậy, ông Phan trả lời hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Số tiền ông sở hữu còn gấp nhiều lần như vậy.

Ông Phan nói rằng chỉ mong muốn đưa được vốn về đầu tư tại Việt Nam, góp ích cho Việt Nam. Đối với các cổ đông của công ty, hiện chưa ai góp vốn, khi ông Phan đưa tiền về đầu tư, khi đó sẽ góp hộ vốn cho các cổ đông. Khi công ty đi vào hoạt động, các cổ đông chỉ "làm công ăn lương".

- Công ty có kế hoạch hoạt động như thế nào trong thời gian tới?

+ Điều này tùy thuộc vào việc ông Phan về nước, sẽ đưa vốn về để góp. Chúng tôi hi vọng dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, ông Phan sẽ về TP HCM.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, Cổng ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư và Thương mại Toàn cầu đăng ký tăng vốn điều lệ lên gần 128.000 tỉ đồng, nhưng từ khi thành lập đến nay, chưa phát sinh doanh thu, không sử dụng hóa đơn.

Theo kết quả tra cứu nhanh của cơ quan thuế, từ khi thành lập vào cuối năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này mới chỉ nộp thuế môn bài, chưa thông báo đến cơ quan thuế về việc phát sinh hóa đơn, doanh nghiệp này chưa có tờ khai thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Giá trị gia tăng.

Minh Phong