Hiện nay, các quận, huyện trên địa bàn TP.Hà Nội tiếp tục kiểm tra điều kiện ra đường của người dân cho đến khi có quyết định mới của thành phố.
Người dân vùng xanh được bán và mua đồ mang về
Từ 12h ngày 16.9, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21h hàng ngày) trên địa bàn 19 quận, huyện vùng xanh Hà Nội được phép hoạt động trở lại.
Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến 18h chiều 15.9, trên địa bàn Hà Nội có 19 quận, huyện, thị xã đủ điều kiện, gồm:
6 quận và 1 thị xã: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ; Sơn Tây.
12 huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hoà.
Trao đổi với Lao Động, bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, theo văn bản số 3084/UBND-KGVX của UBND TP.Hà Nội, quận đã cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ được hoạt động trở lại.
"Theo chủ trương chung, quận vẫn phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các vùng xanh, một số chốt của quận vẫn hoạt động. Quận được cho phép mở lại một số loại hình dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, hướng dẫn những loại hình được phép hoạt động phải có kế hoạch cụ thể về phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện nghiêm quy tắc 5K, những người tham gia kinh doanh dịch vụ phải được tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19" - bà Dung thông tin.
Theo Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy, trên toàn địa bàn quận vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện 20 của Chủ tịch UBND thành phố, các chốt trực của thành phố đã tạm dừng hoạt động. Hiện tại, các chốt của quận, Tổ COVID cộng đồng, tổ dân phố tiếp tục hoạt động. Người dân được ra khỏi nhà trong các trường hợp cấp thiết, đi mua đồ ăn, đi mua văn phòng phẩm, sửa chữa đồ điện, xe máy...".
Tương tự, quận Tây Hồ đang duy trì như chủ trương của Cầu Giấy. "Tổ cơ động vẫn tuần tra di động thay vì trực tại các chốt cố định như trước đây. Trong trường hợp người dân không có giấy tờ tuỳ thân, ra đường với lý do không chính đáng (không cấp thiết, không thuộc các trường hợp mua thức ăn mang về, văn phòng phẩm, sách vở, sửa chữa đồ gia dụng, đồ điện, xe máy...) sẽ bị xử phạt theo quy định của thành phố" - ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ.
Hiện nay, người dân chủ yếu mới được tiêm một mũi vaccine chưa đủ thời gian tạo kháng thể, nên ưu tiên số một vẫn là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, ông Khuyến thông tin thêm.
Kiểm tra giấy đi đường của người dân vùng "nguy cơ"
Liên quan đến việc kiểm soát giấy đi đường của người dân, Phó Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, ngành y tế Hà Nội đánh giá quận thuộc nhóm "nguy cơ". Trong thời gian này, việc đi lại, di chuyển trên địa bàn quận vẫn tuân thủ theo quyết định của thành phố Hà Nội, thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.
Hiện, các chốt kiểm dịch của Công an quận Hoàn Kiếm vẫn hoạt động để kiểm tra, giám sát giấy đi đường và việc thực hiện quy định của người dân trong thời gian giãn cách. "Quận Hoàn Kiếm đã có ý kiến đề xuất việc phân loại nguy cơ theo khu vực nhỏ hơn để có các biện pháp phù hợp. Trong thời gian này, quận tiếp tục chờ hướng dẫn, quyết định cụ thể của thành phố" - ông Hoàn nhấn mạnh.
Trước thắc mắc người dân từ quận/huyện thuộc nhóm có nguy cơ, nguy cơ cao, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy - bà Trịnh Thị Dung cho biết: "Đối với người từ quận khác đi qua các chốt "nội quận" vẫn cần chứng minh đủ điều kiện mới được vào vùng xanh. Cơ bản vẫn phải đảm bảo giãn cách, thực hiện đeo khẩu trang, quy tắc 5K, cẩn trọng và không chủ quan, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch. Quận vẫn đang chờ thành phố có hướng dẫn thêm, trên nguyên tắc nới lỏng dần dần, vừa nới lỏng vừa kiểm soát từng bước vững chắc".
Như đã đưa tin, Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tiến hành tháo dỡ 39 chốt kiểm soát trên các trục đường chính ra, vào các quận, huyện, dừng kiểm tra giấy đi đường trong "vùng xanh" từ chiều 16.9. Theo đó, sẽ chỉ còn 21 chốt kiểm soát của công an các quận, huyện duy trì hoạt động để giám sát người ra, vào các "vùng đỏ".
Ngày 16.9, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố từ nay đến ngày 21.9 xác định cụ thể các điểm cách ly, phong toả để chỉ đạo tiếp tục nới lỏng một số hoạt động, dịch vụ.
Sau ngày 21.9, cần có xem xét, đánh giá tổng thể về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là dự báo về nguy cơ của ngành chuyên môn, phối hợp và thống nhất phương án với các tỉnh, thành phố lân cận, tham khảo ý kiến của các cơ quan Trung ương để có phương án cụ thể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn mới trên quan điểm thận trọng, nới lỏng nhưng phải bảo đảm kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Hà Nội kiểm soát giấy đi đường của người dân vùng xanh, vùng đỏ ra sao? - Báo Lao Động
Read More
No comments:
Post a Comment