Chuỗi cung ứng đứt gãy, chính sách an sinh chưa đảm bảo được nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân cho là điểm mấu chốt khiến mục tiêu kép khó thực hiện.
Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, mô hình "ba tại chỗ" và "một cung đường, hai điểm đến" cứng nhắc đang gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Khó khăn này cả về chi phí lẫn rủi ro dịch tễ do điều kiện vật chất đáp ứng ăn – nghỉ không được thiết kế ban đầu.
Mặt khác, nhiều lao động có trình độ cao tại các thành phố lớn đang bị phong toả, chốt chặt như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... không thể đến nơi làm việc, làm đứt gãy nguồn lao động. Biện pháp kiểm soát lưu thông và quan niệm "hàng thiết yếu" ở các địa phương khác nhau đã khiến lưu thông hàng hoá bị cản trở, dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy hàng loạt. Đơn cử, chuỗi cung ứng hàng chế biến chế tạo bị đứt gãy cung lao động, nguyên liệu; chuỗi cung ứng thuỷ sản, nông sản đứt gãy lao động, thị trường, vận chuyển...
Trong khi chuỗi cung ứng đối diện đổ vỡ, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, an sinh xã hội cũng chưa được đảm bảo. Nhóm nghiên cứu cho biết, việc thực thi đến nay còn nhiều hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Ví dụ, nhiều lao động buộc phải nghỉ việc hoặc phải thỏa thuận ngừng việc, giãn việc... nhưng không được hưởng chế độ kịp thời do các quy định hành chính không thể thực hiện khi bị phong tỏa, cách ly. Nhiều người chưa tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp đang nợ đóng bảo hiểm nên không nằm trong nhóm được hỗ trợ của Nghị quyết 68 hay Quyết định 23. Đặc biệt, nhiều lao động phi chính thức đã mất hoàn toàn sinh kế tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 hoặc 16+ nhưng không thuộc các đối tượng được hỗ trợ.
Ngoài ra, nhiều lao động vẫn chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm dù đang phải điều trị, cách ly do nhiễm Covid-19 vì lý do thủ tục. Trong khi đó, việc kéo dài thực hiện mô hình "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến" đã ảnh hưởng lớn tới đời sống tâm lý, sức khỏe của người lao động. Điều kiện sinh hoạt, môi trường lao động không đảm bảo, mất an toàn vệ sinh lao động khiến các nhà máy có nguy cơ bị khách hàng yêu cầu đánh giá lại về tính tuân thủ và điều kiện làm việc; nguy cơ phải tăng giờ làm và vi phạm số giờ tăng ca theo quy định.
Để tháo gỡ hai điểm nghẽn này, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đưa ra một số giải pháp.
Với việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nhóm cho rằng đầu tiên Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đảm bảo vận chuyển hàng hoá, nguyên liệu sản xuất được thông suốt. Các cơ quan chức năng nên bỏ quy định về hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trong Chỉ thị 16, thay bằng quy định các hàng hoá, dịch vụ không được phép lưu hành.
Cơ chế "luồng xanh" cũng được thay bằng việc cho phép xe tự do di chuyển các tuyến đường trục quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường chính (tuyến đường xanh) nhưng quản lý chặt lái xe (đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc xét nghiệm âm tính trong 72 giờ; không được đỗ, dừng và xuống hàng tùy tiện tại địa phương). Không bắt buộc các phương tiện vận tải phải dừng để kiểm tra khi các trạm kiểm soát phòng dịch có thể nhận diện ra các phương tiện an toàn đi qua bằng các phương pháp nhận diện tự động.
Mỗi địa phương tổ chức ngay vùng đệm là các trung tâm logistics để hạ tải và luân chuyển hàng hóa cho nhu cầu của doanh nghiệp và cư dân địa phương. Tại các trạm tiếp liệu xăng dầu, phải có khu xét nghiệm nhanh, cách ly lái xe khi tiếp liệu, quy định rõ các điểm dừng nghỉ, kể cả cung đường đi và về...
Nhóm cũng khuyến nghị nên cho phép các doanh nghiệp được phép sử dụng lao động đủ điều kiện an toàn cũng như cho phép những người này được tham gia các hoạt động kinh doanh bình thường; đặc biệt các lao động tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng có không gian độc lập tách rời khu dân cư. Đẩy nhanh việc tiêm vaccine tiến đến miễn dịch cộng đồng đối với nhân lực logistics, sản xuất, và dân cư toàn xã hội...
Với điểm nghẽn an sinh xã hội, ngoài lưu ý Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ giảm giá điện, nước, viễn thông..., nhóm nghiên cứu đã đề xuất tạm dùng các quỹ an sinh xã hội đang kết dư như quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ công đoàn...đề hỗ trợ các đối tượng cần. Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét tiếp tục lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn cho các doanh nghiệp khó khăn do Covid-19 sau cả thời điểm 31/12/2021.
Bên cạnh đó, nhóm cho rằng nên cân nhắc nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mức hỗ trợ trung bình của mỗi đối tượng được hỗ trợ ở Việt Nam cao hơn so với tất cả các quốc gia khác trong khu vực (trừ Mông Cổ và Thái Lan), nhưng các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ.
Nhóm cũng khuyến nghị các địa phương tiếp tục rà soát toàn bộ lao động trên địa bàn, đặc biệt là lao động tự do, người di cư không có chỗ ở ổn định để kịp thời hỗ trợ về chỗ ăn, ở... Triển khai rộng các "siêu thị 0 đồng" trong các khu cách ly, phong tỏa để đảm bảo các nhu cầu thiết yếu, tối thiểu của người dân.
Ngoài ra, nhóm cũng đề xuất các bộ ngành cần quan tâm đến đến tâm lý, sức khoẻ của người lao động, triển khai rộng mạng lưới bác sĩ gia đình... Xem xét giảm, miễn thuế với các cơ sở kinh doanh lưu trú, cho thuê căn hộ; tham gia vào việc bố trí chỗ ăn ở cho người lao động, người bị lưu lại trên địa bàn mà không có nơi ở ổn định thông qua giảm tiền thuê nhà.
Mặt khác, để giúp người lao động sớm được thụ hưởng các chính sách, các cơ quan bảo hiểm cần tháo gỡ thủ tục giúp dễ dàng tiếp cận gói hỗ trợ; thanh toán nhanh bảo hiểm y tế, đơn giản hoá các thủ tục liên quan đến người lao động khi dùng quỹ ốm đau, thai sản khi phải nghỉ việc do nhiễm Covid-19...
Đức Minh
Hai điểm nghẽn gây khó mục tiêu kép - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment