Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Vietnam, cho rằng kỳ vọng phục hồi và đẩy mạnh tăng trưởng trong những tháng cuối năm và trong năm tới phụ thuộc lớn vào việc dỡ bỏ giãn cách đến đâu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tồn tại.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, mục tiêu năm nay không phải là con số tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà là sự ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội…
Tác động từ đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tới kinh tế Việt Nam được đánh giá là lớn. Ông nghĩ như thế nào về tăng trưởng những tháng còn lại cuối năm?
Những tháng cuối năm sẽ khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam. Các chỉ số kinh tế vĩ mô được công bố vào cuối tháng 8 vừa qua cho thấy sự giảm tốc về tăng trưởng trong tất cả lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và cả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nguồn vốn đầu tư công mới chỉ giải ngân được phân nửa trong khi chúng ta đã đi qua 3/4 quãng thời gian của năm. Trong bối cảnh nguồn lực đã khan hiếm, dịch bệnh đã buộc chúng ta phải sử dụng một nguồn lực lớn về tài chính, con người của cả khu vực công tư cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Không chỉ lấy đi cơ hội kinh doanh sản xuất, làn sóng dịch bệnh thứ 4 đã khiến chi phí kinh doanh tăng vọt. Hiệu quả kinh doanh, năng suất của đại bộ phận doanh nghiệp do vậy bị ảnh hưởng.
Song song với đó, việc đưa số ca dương tính trở về con số 0 trong thời gian một vài tháng tới là điều vô cùng khó khăn. Do vậy, việc điều hành kinh tế cũng cần có sự linh hoạt để đối diện với thực tế này.
Một số tỉnh thành vẫn có thể tiếp tục theo đuổi các mục tiêu sạch bóng ca nhiễm Covid-19, nhưng một số tỉnh thành cần tính đến các giải pháp và cách thức chống dịch để từng bước hoàn trả lại các không gian hoạt động kinh tế, cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức ngay trong bối cảnh vẫn còn có các ca dương tính tại địa phương của mình.
Việc hoàn trả lại không gian cho các hoạt động kinh tế này không phải là vô điều kiện mà cần được đi kèm với các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh nghiêm túc của người dân, doanh nghiệp, mở rộng tiêm chủng đồng thời nâng cao năng lực của hệ thống y tế các cấp.
Bằng cách này, chúng ta không chỉ tận dụng được những cơ hội phát triển của những tháng còn lại của năm nay mà còn giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn về tâm thế, nguồn lực trong các năm tiếp theo. Nó cũng giúp chúng ta sẽ có nhiều mô hình kiểm soát dịch - phát triển kinh tế khác nhau để sẵn sàng chung sống lâu dài với virus và có thể linh hoạt áp dụng trong những năm tới.
Vậy chúng ta có thể trông chờ vào những động lực quan trọng nào những tháng cuối năm nay?
- Trong khi các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn, chúng ta cũng thấy có nhiều tỉnh thành đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí còn gia tăng tuyển dụng lao động, ví dụ như Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh và nhiều số tỉnh thành khác. Những địa phương này đang gánh trách nhiệm lớn hơn là động lực duy trì tăng trưởng cho cả nước trong năm nay.
Chúng ta có thể trông chờ vào nhu cầu tăng mạnh của thị trường toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam khi trong những tháng tới, đặc biệt là vào những tháng tiêu dùng cuối năm của cả thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản vào dịp Giáng sinh, và sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác vào dịp Tết Nguyên đán.
Đà suy giảm của tiêu dùng trong nước cũng được kỳ vọng sẽ bị chặn đứng và quay đầu tăng trở lại nếu như dịch bệnh được khống chế hay các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
Nguồn vốn đầu tư công được giải ngân mạnh mẽ hơn cũng đóng góp thêm cho tốc độ tăng trưởng. Gia tăng số vốn thực hiện của nguồn vốn FDI hay vốn đầu tư tư nhân cũng có ý nghĩa quan trọng về tăng trưởng và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhưng các động lực này chỉ có thể được phát huy tác dụng ở mức cao nhất nếu như chúng ta khống chế được dịch, hoặc chúng ta có các biện pháp khôi phục lại sản xuất một cách an toàn, xây dựng được mô hình đồng hành chống dịch - phát triển kinh tế ngay cả trong bối cảnh vẫn còn các ca dương tính tại các địa phương.
Theo ông, giải pháp căn cơ nào để có thể "giảm đau" cho nền kinh tế, giúp cho tăng trưởng Việt Nam từ giờ đến cuối năm?
Mục tiêu năm nay có thể không phải là con số tăng trưởng kinh tế ở mức cao mà vẫn là các mục tiêu về đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, các chỉ số lớn của nền kinh tế, duy trì năng lực sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, chúng ta cần đặt mục tiêu cho những tháng cuối năm về việc hình thành được những mô hình khác nhau cho việc phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế trong nhiều kịch bản, gồm cả kịch bản sạch bóng virus và kịch bản trong đó virus vẫn còn tồn tại, các ca dương tính vẫn còn tồn tại.
Đồng thời, các mục tiêu về mức độ mở rộng tiêm chủng, về hình thành tính tự giác, tự kỷ luật trong phòng chống dịch bệnh của mỗi cá nhân, từng doanh nghiệp, về hình thành các hình mẫu, mô hình chống dịch, phát triển kinh tế trong các kịch bản không Covid-19 và vẫn còn Covid-19, về nâng cao năng lực của hệ thống y tế.
Đây là vốn và hành trang quan trọng để chúng ta mang theo và bước sang năm 2022 với tâm thế tự tin và lạc quan hơn rất nhiều.
Vậy góc nhìn của ông về mục tiêu kép ra sao?
Mục tiêu kép vẫn luôn đúng, kể cả trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta không thể chống dịch mà không có nguồn lực. Và chúng ta cũng không thể tạo ra nguồn lực nếu như dịch bệnh hoành hành. Với mục tiêu kép, chúng ta có thể có nhiều mô hình chống dịch và tăng trưởng khác nhau và áp dụng linh hoạt tại các địa phương.
Có những lúc phải hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên chống dịch, nhưng chống dịch cũng cần tạo không gian, dư địa cho phát triển kinh tế.
Mục tiêu kép là cách chúng ta tìm cách chung sống với con virus này và dần dần khống chế hoàn toàn được nó với tổn thất kinh tế, xã hội mà nó gây ra cho chúng ta ở mức thấp nhất có thể.
Vừa rồi thì đã có những ý kiến cho rằng dòng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam đang chậm lại và chúng ta bỏ lỡ cơ hội, song cũng có ý kiến cho rằng chậm là do tác động của đại dịch còn cơ hội của chúng ta vẫn lớn và Việt Nam không hề bỏ lỡ dòng dịch chuyển đó. Ông thấy thế nào?
Một số dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao chưa chọn Việt Nam làm bến đỗ do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, về hệ sinh thái của các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ, về thiếu hụt lao động và nhân lực trình độ công nghệ cao.
Điều này cho thấy chúng ta còn nhiều việc phải làm, bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cứng và mềm để thu hút ngày một nhiều hơn dòng vốn FDI có chất lượng cao, có sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa với khu vực doanh nghiệp trong nước.
Nhưng với những lợi thế riêng và quyết tâm của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ, tôi tin chúng ta sẽ thành công trong việc hiện thực hóa nhiều cơ hội khác sẽ đến với chúng ta trong thời gian rất sớm đây thôi.
Về câu chuyện của doanh nghiệp trong đại dịch, có một thực tế hiện nay là đa số các ngành nghề, các doanh nghiệp đều kêu khó khăn và đề xuất hỗ trợ, từ dệt may cho đến xây dựng, bất động sản… Bàn về việc hỗ trợ doanh nghiệp lúc này, theo ông thì cần lưu ý những gì?
Doanh nghiệp là nền tảng cho sự thịnh vượng của quốc gia. Do vậy, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn là điều không phải bàn cãi.
Nhưng cũng phải đối diện một thực tế là Nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho toàn bộ hay để cứu các doanh nghiệp. Từ góc độ thị trường, doanh nghiệp cũng không nên yêu cầu và luôn trông chờ vào hỗ trợ về tài chính của Nhà nước. Với tinh thần doanh nhân là dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính hay giải cứu, doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp đúng nhất cho hoàn cảnh của mình.
Khi không thể hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng các nguồn lực tài chính, sự hỗ trợ của Nhà nước có thể bằng các biện pháp hỗ trợ phù hợp như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hoặc sử dụng ngân sách bù đắp một phần chi phí tiền điện, đóng thay một phần chi phí BHXH cho người lao động.
Bên cạnh đó cần kiên quyết loại bỏ các quy định phòng chống dịch bất hợp lý khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao, hay nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành cũng là các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
Và cuối cùng, cách hỗ trợ tốt nhất là tìm kiếm và triển khai bất kỳ cơ hội, không gian và dư địa nào có thể để trả lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Các cơ hội đó có thể đến từ tiêm vắc xin, đến từ các biện pháp và quy định phòng dịch và kiểm soát dịch tễ phù hợp, hợp lý, từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, giữa các địa phương, giữa địa phương với trung ương trong các biện pháp chống dịch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm tuân thủ các quy định phòng dịch nhưng cũng vẫn duy trì đươc sản xuất, duy trì được chuỗi cung ứng.
Trong câu chuyện hỗ trợ đó, chúng ta có thể học gì từ các nước khác, thưa ông?
Sử dụng ngân sách Nhà nước để cứu doanh nghiệp là một điều gây tranh cãi. Ngân sách là tiền đóng thuế của tất cả người dân, doanh nghiệp và mọi đối tượng trong xã hội. Sử dụng ngân sách phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, có trách nhiệm với người đóng thuế và hài hòa lợi ích của mọi đối tượng trong xã hội.
Việc cứu hay hỗ trợ doanh nghiệp là việc đương nhiên phải làm, bất kể các doanh nghiệp đó ở trong lĩnh vực nào. Nhưng sử dụng ngân sách để giải cứu lại là câu chuyện khác. Các biện pháp giải cứu do vậy có thể bằng các hình thức khác, phù hợp với quy định pháp luật cũng như các thông lệ của kinh tế thị trường.
Tại các quốc gia khác, chúng ta cũng chứng kiến các gói giải cứu đối với một số doanh nghiệp, như cho nhiều ngân hàng tại Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 20 năm, gói giải cứu cho ngành hàng không tại Mỹ, Đức năm 2020.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng điểm chung lớn nhất của các gói giải cứu này là chính phủ, hay một cơ quan đầu tư của chính phủ mua lại cổ phần hay trái phiếu có thể được chuyển đổi thành cổ phần tại các doanh nghiệp này, hoặc cho vay dưới các điều kiện ngặt nghèo. Không dễ dàng có chuyện chuyển tiền từ ngân sách chính phủ sang cho các doanh nghiệp một cách vô điều kiện hay chỉ đơn thuần là giải cứu. Và số lượng các doanh nghiệp nhận được các gói giải cứu đó cũng không nhiều, hay có doanh nghiệp khi được đề xuất gói giải cứu đó cũng không muốn tham gia vì điều kiện quá ngặt nghèo.
Điều chúng ta học được từ các biện pháp này là hãy áp dụng các biện pháp thị trường, các nguyên tắc thương mại các gói giải cứu nếu phải sử dụng đến nó. Các điều kiện điều khoản trong các gói giải cứu cũng phải công bằng, minh bạch cho bên được giải cứu và bên giải cứu. Trên cơ sở các điều khoản đó, các doanh nghiệp có quyền lựa chọn tham gia gói giải cứu với các điều kiện đó hay không.
Còn hỗ trợ cho người dân thì ra sao?
Nguồn lực của chúng ta chưa đủ để có thể thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn cho một bộ phận lớn dân số, kể cả những người thuộc nhóm trung lưu như một số nước khác đã thực hiện.
Nguồn lực hạn chế thì đương nhiên là phải ưu tiên hỗ trợ cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những người gần như đã mất đi cơ hội việc làm, thu nhập, sinh kế do đại dịch.
Xin cám ơn về cuộc trò chuyện này!
Nội dung: Nguyễn Mạnh
Thiết kế: An Nhi
Linh hoạt trong điều hành kinh tế, xác định khó có "Zero Covid-19" - Dân Trí Mobile
Read More
No comments:
Post a Comment