Dân trí
Theo Bloomberg, Trung Quốc không công khai các vụ phá sản nhưng kể từ năm ngoái, ít nhất đã có một chục nhà sản xuất xe điện được cho là hoạt động kém hiệu quả hoặc phải tái cơ cấu để tránh bị vỡ nợ.
Nhà máy bỏ hoang, công ty phá sản
Khi truy cập vào website của hãng sản xuất xe điện Trung Quốc Byton, khách dễ dàng bị thu hút bởi những chiếc xe điện bóng loáng. Nhưng khi đến thăm nhà máy của công ty ở Nam Kinh, miền đông Trung Quốc, ấn tượng đó dường như không còn. Nhà máy hiện đại, to lớn này dường như đã ngừng hoạt động hoàn toàn. Việc sản xuất đã bị đình trệ kể từ khi đại dịch xảy ra và không có ai lui tới ngoại trừ một nhân viên bảo vệ.
Tình huống tương tự cũng đang diễn ra ở công ty Bordrin Motor. Cỏ dại mọc rải rác quanh nhà máy và có một thông báo của tòa án dán trước cổng chính rằng nhà sản xuất ô tô điện này đã phá sản.
Bordrin và Byton là những ví dụ tiêu biểu cho thấy mặt trái của sự bùng nổ trong lĩnh vực sản xuất xe điện Trung Quốc. Trong khi những "ông lớn" trong ngành này như Nio Inc và Xpeng Inc đang tiếp tục huy động được hàng tỷ USD và có doanh số bán xe ngang ngửa với đối thủ Tesla, thì ngày càng có nhiều hãng bị tụt lại phía sau vì không thể huy động được lượng vốn cần thiết để sản xuất ô tô ở quy mô lớn.
Rủi ro tiềm tàng cho các nhà đầu tư
Trước đây, nhiều hãng sản xuất ô tô điện được các chính quyền địa phương nước này khuyến khích thành lập để biến giấc mơ đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xe điện thành hiện thực. Tuy nhiên, tình thế đã bắt đầu thay đổi kể từ tháng 11 năm ngoái khi Bắc Kinh yêu cầu các địa phương xem xét và báo cáo lại quy mô hỗ trợ của họ đối với ngành công nghiệp ô tô.
Được cảnh báo về việc đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực xe điện cùng với các vụ phá sản của các nhà máy sản xuất xe điện gần đây, Bắc Kinh đang áp dụng các biện pháp thắt chặt đối với ngành công nghiệp này.
"Chúng ta đang có quá nhiều hãng sản xuất xe điện", Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc Xiao Yaqing nói trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 13/9. Theo ông, Trung Quốc đang khuyến khích hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực này vì thị trường cần tập trung hơn nữa.
Nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Bloomberg, trong tháng này, Trung Quốc sẽ thiết lập các hạn chế đối với sản xuất ô tô điện. Các tỉnh sẽ không được bật đèn xanh cho các dự án mới cho đến khi công suất dư thừa được giải quyết. Các nguồn lực sẽ được chuyển sang cho một số công ty lớn được lựa chọn.
Những động thái này là dấu hiệu cảnh báo tiềm tàng cho các nhà đầu tư đã rót tiền vào các công ty sản xuất ô tô điện và công nghệ phụ trợ trong năm qua.
Thừa gần một nửa công suất
Hiện Trung Quốc có khoảng 846 nhà sản xuất ô tô, trong đó có 300 nhà sản xuất ô tô năng lượng mới như xe điện, xe hybrid. Phần lớn những công ty này không có tên tuổi. Chỉ tính riêng trong năm 2020, công suất sản xuất ô tô điện của Trung Quốc đã nâng lên khoảng 5 triệu chiếc, gấp 4 lần so với lượng xe điện bán ra trên thực tế tại thị trường nước này trong năm đó. Theo các nhà quản lý, gần một nửa công suất đó đã không được sử dụng.
Công ty Bordrin do cựu giám đốc điều hành Ford Huang Ximing thành lập năm 2016 với mục tiêu sản lượng hàng năm là 700.000 xe tại 3 nhà máy. Tuy nhiên, Bordrin đã nhanh chóng hết tiền và phải đóng cửa khi chưa sản xuất được chiếc nào.
Công ty Yinlong New Energy cũng đã động thổ một nhà máy sản xuất ô tô ở Nam Kinh vào năm 2017 với tổng đầu tư 10 tỷ nhân dân tệ (1,6 tỷ USD). Công ty đã đặt kế hoạch sản xuất 30.000 xe thương mại năng lượng mới, trong đó chủ yếu là xe bus điện. Nhà sản xuất ô tô này cũng lên kế hoạch sản xuất xe điện.
Việc sản xuất được dự kiến bắt đầu từ năm 2018 nhưng đến nay nhà máy đã hoàn toàn bị bỏ hoang. Rác thải chất đống dọc các bức tường, các con đường nối các tòa nhà bên trong hoang vu lạnh lẽo, các lối vào của nhà máy đều bị chắn.
Theo Bloomberg, Trung Quốc không công khai các vụ phá sản nhưng kể từ năm ngoái, ít nhất đã có một chục nhà sản xuất xe điện được cho là hoạt động kém hiệu quả hoặc phải tái cơ cấu để tránh bị vỡ nợ.
Tuy lâm vào tình trạng "hết tiền", nhưng Byton ít nhất vẫn còn tồn tại. Nhà sản xuất ô tô do cựu CEO của BMW AG và Nissan Motor đồng sáng lập đã phải ngừng tất cả các hoạt động trong nước và cho nhân viên nghỉ trong tháng 7 khi đại dịch khiến cho việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Ngay cả trước dịch Covid-19, công ty này cũng đã rất khó khăn khi công bố thời hạn sản xuất và giao mẫu xe đầu tiên, mặc dù trên trang web của công ty này vẫn chấp nhận đặt trước xe.
Đối với Byton, mọi thứ bắt đầu có vẻ khởi sắc hơn trong năm nay khi công ty ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Foxconn hồi tháng 1 để bắt đầu sản xuất hàng loạt mẫu xe điện Byton M-Byte trong quý I/2022. Nhưng Foxconn đã rút nhân viên khỏi nhà máy Byton ở Nam Kinh sau khi một trong những chủ nợ lớn nhất của công ty này bắt đầu tiếp quản nhà máy, theo Bloomberg đưa tin hồi tháng 7. Tuần trước, tờ Nikkei cho biết, hợp tác này đã bị tạm hoãn do tình hình tài chính ngày càng tồi tệ của Byton.
Tỉnh Giang Tô, nơi có nhà máy của Byton ở Nam Kinh, đang cố trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Trung Quốc. Tỉnh này đã thu hút được 32 tỷ USD vào ngành công nghiệp ô tô trong 6 năm qua tính đến năm 2020. Hiện Giang Tô là quê hương của hơn 30 nhà sản xuất ô tô và cũng đang trở thành tâm điểm của cuộc điều tra do Bắc Kinh tiến hành vào đầu năm nay.
Theo đó, Bắc Kinh đã phát hiện một số chính quyền địa phương đã giảm thuế và ưu đãi đất đai để thu hút các nhà sản xuất ô tô ngoài quy hoạch của chính phủ. Điều này khiến cho công suất sản xuất ô tô điện trở nên dư thừa.
"Chính quyền địa phương đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của các công ty sản xuất xe năng lượng mới với hy vọng khai thác các cơ hội trong lĩnh vực này, giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương", ông Cui Dongshu, Tổng Thư ký Hiệp hội Xe hơi Trung Quốc (CPCA) nói trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho rằng, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng sinh lợi lớn của ngành ô tô điện nên ồ ạt rót tiền vào đây, kết quả khiến công suất bị dư thừa.
Nhật Linh
Theo Bloomberg
Nghịch lý xe điện ở Trung Quốc: Người hút tỷ USD, bên ôm trái đắng - Dân Trí Mobile
Read More
No comments:
Post a Comment