Đại dịch Covid-19 đã giáng mạnh vào nền kinh tế Việt Nam, với thống kê chính thức cho hay tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.
Đây là lần đầu tiên từ năm 2000, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.
GDP của quý 3/2021 giảm sâu khiến GDP 9 tháng năm nay của Việt Nam chỉ tăng 1,42% - thấp hơn năm trước.
"Dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng năm 2021 của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế", Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Truyền thông tiếng Anh nhận định thế nào?
Nikkei Asia nói: "Con số GDP mới cho thấy sự chuyển đổi của quốc gia Đông Nam Á từ câu chuyện thành công của đại dịch sang nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề."
"Quý 3 thậm chí còn kém hơn hồi tháng 4 đến tháng 6 năm 2020, là quý chậm nhất của Việt Nam kể từ năm 2000 với mức tăng trưởng khi đó chỉ 0,39%."
Nikkei Asia viết: "Mục tiêu tăng trưởng hàng năm 6,5% mà Hà Nội đặt ra vào đầu năm nay dường như ngày càng xa tầm với."
Trang Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Anh Đức, tại SSI Securities, cho biết phản ứng tương đối nhẹ nhàng của thị trường là do chính phủ nới lỏng các hạn chế nghiêm ngặt ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực công nghiệp phía Nam trong bối cảnh gia tăng tiêm chủng.
Ông Đức nói: "Nếu Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng thì việc tin rằng nền kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi là điều hoàn toàn hợp lý. Nếu virus được kiểm soát tốt, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng trong năm 2022."
"Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát COVID-19 đang ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng. Xét nghiệm - truy vết - cách ly, các biện pháp mà các nước trong khu vực đã từng áp dụng thành công, đến nay không còn hiệu quả đối với biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao."
"Tiêm vaccine, một biện pháp có thể đã giúp giảm tỷ lệ tử vong và lây nhiễm, được triển khai còn chậm. Chính vì vậy, chính phủ các quốc gia buộc phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh, nhất là khi phần lớn dân số vẫn có nguy cơ với dịch bệnh. Những quốc gia có độ phủ vaccine tăng thêm 10%, thì tốc độ tăng trưởng GDP theo quý ước tính tăng thêm trung bình khoảng một nửa điểm phần trăm."
Tổng cục Thống kê Việt Nam nhận định
"Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay."
"Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ giảm 9,28%."
"Về sử dụng GDP quý III/2021, tiêu dùng cuối cùng giảm 2,83% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 1,61%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,51%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,75%."
"GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng góp 23,52%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, đóng góp 98,53%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%, làm giảm 22,05%."
Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới đạt 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/9/2021 đăng ký cấp mới giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 20,6%.
Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 9 tháng năm 2021 đạt 10,3 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,3 triệu USD/dự án).
Nước ngoài nói gì khi GDP Việt Nam quý III tăng trưởng âm 6,17%? - BBC Tiếng Việt
Read More
No comments:
Post a Comment