Những nguyên tắc mang tính cơ bản để tái khởi động nền kinh tế sau giãn cách đã được các quốc gia trên thế giới áp dụng, có thể phù hợp để triển khai tại TP HCM theo lộ trình tương ứng với điều kiện thực tế.
Những yếu tố để mở cửa lại kinh tế
Nhìn chung, các quốc gia trên thế giới tái khởi động hoặc chuẩn bị kế hoạch mở cửa nền kinh tế sau giãn cách dựa trên mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế theo 3 yếu tố, gồm: Mức độ bao phủ vắc-xin theo mục tiêu; số lượng ca bệnh mới ở ngưỡng nằm trong năng lực chăm sóc của hệ thống y tế, đặc biệt là các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU); số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế.
Năng lực phát hiện, quản lý và ngăn ngừa các ca lây nhiễm mới, như có khả năng phát hiện và kiểm tra chẩn đoán Covid-19; có hệ thống xác định và cô lập hiệu quả các trường hợp nhiễm bệnh; có hạ tầng công nghệ cập nhật theo thời gian thực các dữ liệu cần thiết cho việc ra quyết định; có khả năng tăng cường hiểu biết của cộng đồng qua các thông tin khoa học tốt nhất hiện có.
Hình minh họa theo bài cho thấy có 4 giai đoạn sẵn sàng để mở cửa lại nền kinh tế, trong đó giai đoạn 4 có mức độ sẵn sàng thấp nhất và giai đoạn 1 có mức độ sẵn sàng cao nhất.
Trong đó, mức độ sẵn sàng là 3 yếu tố đã trình bày ở trên, mức độ lây nhiễm của virus dựa trên các yếu tố mang tính chuyên môn về dịch tễ (chẳng hạn như lý tưởng nhất là đo lường qua tỉ lệ lây nhiễm nhưng điều này đòi hỏi năng lực xét nghiệm lớn, do đó có thể không phù hợp ở một số quốc gia. Một số tiêu chí thay thế có thể là tốc độ tăng của các ca nhiễm, tổng số ca nhiễm cộng dồn trong mối tương quan với dân số và mật độ dân số…).
Dựa trên ma trận này, TP HCM có thể xác định các giai đoạn cho từng ngành, khu vực sản xuất (khu chế xuất/khu công nghiệp/khu công nghệ cao). Mỗi khu vực ứng với một giai đoạn sẽ có các hoạt động kinh tế tương ứng. Cần lưu ý các vị trí trên ma trận sẽ không ở trạng thái tĩnh, mức độ sẵn sàng của các khu vực sẽ tăng lên khi số ca bệnh giảm và cơ chế kiểm soát dịch tốt hơn được thiết lập, cũng như hệ thống y tế công cộng được củng cố.
Ngoài ra, TP HCM cần xây dựng các tiêu chí thích hợp để đo lường mức độ lây nhiễm theo yêu cầu chuyên môn dịch tễ.
Các giai đoạn sẵn sàng cho việc mở cửa TP HCM
Hành trình để tái khởi động nền kinh tế
Để đi đến điều kiện "bình thường mới" có thể được tóm lược như hình trong bài. Khi mức độ sẵn sàng từ A sang B, sẽ cần thực hiện các biện pháp giãn cách bắt buộc nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Từ B sang C, năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được nâng lên đáng kể, cho phép chuyển sang các biện pháp ở giai đoạn 2. Tuy nhiên, một số khu vực có thể quay trở lại giai đoạn 3 hoặc 4 nếu virus lây lan nhanh sau khi mở cửa trở lại. Từ C sang D: các khu vực đạt đến trạng thái "bình thường mới" khi năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe được mở rộng, sự lây lan của virus ở mức độ vừa phải.
Để khởi động lại các hoạt động kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", TP HCM cần triển khai một số giải pháp.
Cụ thể, xem xét dữ liệu mới nhất về tác động của các bước mở cửa kinh tế, bao gồm: đánh giá hiệu quả chương trình triển khai vắc-xin nhằm bảo đảm vắc-xin hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở những người được tiêm chủng. Tỉ lệ lây nhiễm không có nguy cơ làm gia tăng số ca nhập viện để không gây áp lực lên hệ thống y tế và đánh giá các rủi ro liên quan đến các chủng virus mới.
Đánh giá rủi ro lây nhiễm và tầm quan trọng kinh tế tương đối của từng ngành, lĩnh vực và khu vực trên các tiêu chí như việc làm, các khu vực có việc làm bị tổn thương hoặc mức độ đóng góp của các khu vực cho nền kinh tế.
Đưa ra các chỉ dẫn liên quan đến sức khỏe và hành vi để giảm khả năng lây nhiễm như duy trì khoảng cách tiếp xúc, xác định các ngành/khu vực có thể tiếp tục làm việc từ xa, hướng dẫn về vệ sinh và sức khỏe, kiểm soát để phát hiện sớm các ca bệnh mới, báo cáo thông tin liên quan cho cơ quan y tế và có các biện pháp thực thi để bảo đảm tuân thủ. Một số ngành/khu vực có thể cần thực hiện các yêu cầu và thủ tục cụ thể hơn các ngành khác. Do đó, cần có sự phối hợp với các hiệp hội để thiết kế các quy trình cho từng phân ngành.
Tương ứng với mỗi giai đoạn, cần đánh giá liên tục kết quả thực thi và có các điều chỉnh chính sách, hành động kịp thời.
Cuối cùng, việc điều phối các chính sách cần sự phối hợp theo chiều ngang lẫn theo chiều dọc giữa các cấp chính quyền và giữa các ngành/khu vực nhằm tránh sự xung đột có thể làm suy giảm hiệu quả của việc truyền tải chính sách. Bảo đảm được tính nhất quán của các chính sách thậm chí còn quan trọng hơn so với các chính sách hỗ trợ khẩn cấp.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1 - Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2 - Hiến kế để TP HCM giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước; 3 - Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Bắt đầu nhận tác phẩm dự thi từ ngày 14-8-2021 đến ngày 28-7-2022, qua địa chỉ email: bandoc @nld.com.vn. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng có 5 giải, gồm: 1 giải nhất: 50 triệu đồng; 1 giải nhì: 30 triệu đồng; 1 giải ba: 20 triệu đồng; 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Tái khởi động kinh tế TP HCM sau dịch - Người Lao Động
Read More
No comments:
Post a Comment