Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong 10 năm nữa mà không tranh thủ “cơ hội vàng” để vươn lên thì rất đáng tiếc, lúc đó đã phải lo an sinh xã hội, “chưa giàu đã già rồi”.
Chiều nay (29/10), trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trước Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, còn có thể kéo dài, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc hội |
Mục tiêu của kế hoạch được Chính phủ đề ra là tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng- an ninh.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc không hoàn thành 5/22 mục tiêu (chiếm 22,7%) cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân.
“Đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan đến khu vực công như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, 2021 là một năm vô cùng khó khăn khi dịch Covid-19 hoành hành khốc liệt thời gian dài trên diện rộng. Vấn đề làm sao để vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế được đặt ra.
Không chỉ tài chính nhà nước, ông Phớc cho biết, việc đảm bảo tài chính doanh nghiệp, người dân phát triển cũng được tính toán. Do vậy, việc tạo ra các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cầu tăng lên trong giai đoạn phục hồi là cần thiết.
"Chúng tôi sẽ thiết kế từng gói kích thích kinh tế để đảm bảo sự hiệu quả. Khi nền kinh tế đã phục hồi thì sau đó tăng thu, giảm chi ngân sách, kéo giảm bội chi", ông Hồ Đức Phớc nói.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội |
Theo ông Phớc, có 4 vấn đề cần tập trung để thúc đẩy phục hồi cho doanh nghiệp, đó là vốn, tháo gỡ thể chế, thị trường, nguồn nhân lực.
Riêng về vốn, Bộ trưởng cho biết đang tham mưu Chính phủ các gói kích thích kinh tế. Trong đó có gói hỗ trợ lãi suất.
"Vừa rồi chúng tôi đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thực hiện gói hỗ trợ lãi suất", ông Phớc thông tin.
Gói hỗ trợ lãi suất lấy từ nguồn ngân sách T.Ư, ước chừng khoảng 20.000 tỷ đồng/năm; 2 năm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Mức hỗ trợ khoảng 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng đủ điều kiện để vay phát triển sản xuất.
Bộ trưởng Tài chính cho hay, một số lĩnh vực được hưởng hỗ trợ đó là du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống, các dự án công trình hạ tầng trọng yếu, trọng điểm quốc gia…
Ông Phớc cũng cho biết, sẽ có đề án phát hành công trái huy động ngoại tệ trong nước.
"Chúng tôi đang thiết kế gói này, để huy động tiền ngoại tệ như USD nhàn rỗi trong dân cư", ông Phớc nói. Huy động nguồn nhằm mục đích cho phát triển kinh tế, đồng thời sẽ đảm bảo chính sách tiền tệ.
Bộ trưởng cũng cho rằng có thể phát hành trái phiếu chính phủ ngắn hạn để tập trung giải quyết các vấn đề trước mắt, thúc đẩy rồi quay vòng vốn để bảo đảm kinh tế phát triển. Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng bội chi, nhưng sang năm 2024 khi kinh tế hồi phục phát triển sẽ giảm, nhiệm vụ bội chi 5 năm vẫn đảm bảo…
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2030 Việt Nam chuyển sang già hóa dân số.
“Trong 10 năm nữa mà chúng ta không tranh thủ “cơ hội vàng” để vươn lên thì rất đáng tiếc, vì lúc đó đã phải lo an sinh xã hội, “chưa giàu đã già rồi”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cho rằng, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân cũng rất bất cập, vừa nhỏ, vừa yếu về công nghệ, yếu về mọi thứ không đủ sức cạnh tranh. Vì thế, thời gian tới cần tập trung vào công việc này.
Giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nếu năm 2020 không bị tác động bởi đại dịch Covid-19 thì các chỉ tiêu, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt mục tiêu đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội |
Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 nặng nề hơn nhiều vì phải gắn với kế hoạch tổng thể về phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng gói chính sách tài khóa và tiền tệ đủ mạnh với quy mô đủ lớn và thời gian thích hợp để tập trung cho phục hồi, phát triển kinh tế. Đồng thời giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay của nền kinh tế, nhất là áp lực về nợ xấu gia tăng do tác động của đại dịch Covid-19 hay những thể chế cần phải tiếp tục hoàn thiện để thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược, các trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế.
Phải tận dụng mạnh mẽ các cơ hội của cách mạng công nghệ 4.0, tập trung cho số hóa, kinh tế số, xã hội số, đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… Đó là những trọng tâm cần tập trung trong giai đoạn tới.
Đây cũng là những lĩnh vực chúng ta cũng có dư địa để phát triển, vừa hạn chế, khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, vừa tận dụng cơ hội để cải cách mạnh mẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hương Quỳnh - Trần Thường
Đề xuất gói hỗ trợ lãi suất lên đến 20.000 tỷ kích cầu nền kinh tế
Chính phủ và các bộ đang xây dựng các gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế như: hỗ trợ lãi suất, phát hành công trái, trái phiếu, tăng thu, tiết kiệm chi....
Không tranh thủ 'cơ hội vàng' để vươn lên trong 10 năm tới là rất đáng tiếc - Vietnamnet.vn
Read More
No comments:
Post a Comment