Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với khối lượng công việc đồ sộ, trong thời gian ngắn, theo ông Phạm Trọng Nhân, là "thử thách vô cùng lớn".
Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Chính phủ đề xuất 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể bao gồm: Hoàn thành cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, đầu tư công, ngân sách Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phát triển các loại hình thị trường, nâng cao hiệu quả huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Phó đoàn Bình Dương) băn khoăn khi một số kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước còn nhiều hạn chế, hàng loạt nhiệm vụ còn đang dự thảo nghiên cứu, xây dựng. Đáng chú ý là quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch vùng, đề án "Thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021-2030" nhằm phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm trong đổi mới mô hình tăng trưởng, được xem là nhiệm vụ trọng yếu, vẫn còn chưa thai nghén.
Theo ông Nhân, báo cáo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã tô đậm những kết quả đạt được. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp của FDI so với khu vực tư nhân vào toàn bộ nền kinh tế cho thấy kết quả cơ cấu thành phần kinh tế chưa có sự biến chuyển. Năm năm qua, xuất khẩu của FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vẫn chiếm từ 70% trở lên, khoảng 20% GDP, trên 50% giá trị xuất công nghiệp.
"Như vậy 5 năm tới, với kế hoạch này, liệu có thay đổi được cục diện? Trong khi khu vực tư nhân vẫn đang trong giai đoạn hồi sức, FDI không ngừng mở rộng giữa cơn bão đại dịch", ông nói.
Ông cũng đề nghị Chính phủ làm rõ kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế khác biệt gì so với các chiến lược, kế hoạch đã được phê duyệt trước đó, khi các căn cứ xác định mục tiêu, chỉ tiêu được lấy từ Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết của trung ương, của Quốc hội và Chính phủ. Ông cũng đặt vấn đề về tiến độ khi hơn 50 trong toàn bộ 130 chương trình, đề án phải trình trong năm nay, nhưng chỉ còn 2 tháng là hết năm.
Gần 80 đề án, chương trình còn lại sẽ thực hiện theo giai đoạn, hoặc đến năm 2025 khiến vị đại biểu tỉnh Bình Dương lo ngại khả năng thẩm thấu để nền kinh tế có thể được trợ lực, hấp thu và chuyển biến khi độ trễ chính sách vẫn là căn bệnh trầm kha. Chưa kể, điều quyết định thành công của kế hoạch đến từ chất lượng công tác điều hành, công tác quản trị quốc gia.
Ông Nhân cho rằng điều quan trọng nhất là phải đặt kế hoạch tái cơ cấu kinh tế trong tổng thể các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Trong đó, trọng yếu là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, các xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số mà kế hoạch này cũng đã nhắc đến.
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã cơ bản bao trùm cơ cấu ngành, lãnh thổ, thành phần kinh tế, nhưng thiếu vắng khu vực kinh tế phi chính thức, theo ông Nhân, "là một thiếu sót lớn", vì nếu tính được giá trị của toàn bộ khu vực phi chính thức có thể làm cho GDP tăng lên khoảng 30%.
"Kế hoạch với khối lượng công việc đồ sộ chỉ trong thời gian ngắn là một thử thách vô cùng lớn cho Chính phủ khi Quốc hội sẽ nhấn nút thông qua vào ngày 12 tới đây", ông Nhân nói.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam) tha thiết mong các địa phương không sao chép các chỉ thị, nghị quyết một cách rập khuôn máy móc như trước; không đưa vào kế hoạch và chương trình hành động những việc mà chính mình chưa biết phải làm như thế nào.
Theo ông, cần tập trung xác định những nút thắt của nền kinh tế, từ đó đưa ra biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững. "Nếu cơ cấu lại nền kinh tế mà không giải tỏa được những nút thắt thì cũng như ta xây dựng đường cao tốc mà không giải tỏa được một số điểm nghẽn", ông Hậu nói.
Những nút thắt này được khái quát lên từ những mâu thuẫn đang hiển hiện trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, của nhân dân. Cơ cấu lại nền kinh tế, ở một khía cạnh nào đó, theo ông phải giải quyết những mâu thuẫn nội tại đang ngăn cản sự phát triển.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Phó trưởng ban Công tác đại biểu) băn khoăn khi kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế không đề cập cụ thể tới vùng kinh tế Trung du miền núi phía Bắc cũng như các vùng kinh tế khác của cả nước, mà tập trung nhiều hơn cho khu vực trung tâm và đô thị. Bà băn khoăn về các giải pháp của Chính phủ trong 5 năm tới sẽ có những giải pháp nào để thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế thuộc diện khó khăn, lạc hậu nhất của cả nước là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.
Theo nữ đại biểu, những vùng nói trên có thể khai thác lợi thế so sánh, thế mạnh của từng vùng; hợp tác, liên kết vùng, xây dựng đô thị làm hạt nhân phát triển và bố trí lại dân cư, hình thành chuỗi giá trị kinh tế đồi rừng ở Tây Bắc, cây công nghiệp ở Tây Nguyên và cây lương thực, thủy hải sản ở Tây Nam Bộ.
"Nên thiết kế được các nhiệm vụ cụ thể hơn cho từng vùng, từ đó thể hiện được trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương và xây dựng được những cơ chế có tính đột phá cho từng vùng, gắn với bố trí nguồn lực ngân sách, thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu phát triển chung", bà Yên nói.
Hoàng Thùy - Viết Tuân
'Tái cơ cấu nền kinh tế - thử thách lớn cho Chính phủ' - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment