Ngày 31-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường dự Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về Biến đối khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp đến 5-11 theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị COP26, thăm Anh và Pháp - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính rời Hà Nội lên đường dự Hội nghị COP26, thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp - Ảnh: VGP

Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác này có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dự COP26, thăm làm việc tại Anh từ ngày 31-10 đến 3-11 và sau đó thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 3 đến 5-11.

Sau gần 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, chuyến đi của Thủ tướng có nhiều mục tiêu và ý nghĩa quan trọng với rất nhiều hoạt động cả trên diễn đàn đa phương và tiếp xúc song phương, kết hợp gặp gỡ cộng đồng người Việt và doanh nghiệp.

Đặc biệt, thông qua các cuộc gặp gỡ cộng đồng kiều bào ta tại Anh và Pháp, góp phần vun đắp, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; đồng thời là dịp thể hiện sự tri ân kiều bào ta đã ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nước vừa qua.

Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26 cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu, đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm, thể hiện Việt Nam là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Chuyến thăm làm việc tại Anh và thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần củng cố tin cậy chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt, đưa quan hệ song phương đi vào thực chất, hiệu quả hơn; góp phần đưa quan hệ với hai đối tác chiến lược này đi vào thực chất, hiệu quả trên mọi mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng..., đặc biệt là những kết quả hợp tác cụ thể trong lĩnh vực y tế, công nghiệp dược, ngoại giao vaccine.

Chuyến thăm làm việc tại Anh của Thủ tướng sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh tiếp tục phát triển. Thủ tướng cũng sẽ có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Anh, tham dự diễn đàn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm thông tin về những chính sách kinh tế quan trọng của ta và củng cố niềm tin, thu hút thêm vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác quốc tế.

Pháp là đối tác chiến lược của Việt Nam và cũng là thành viên quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). Hiện Pháp là bạn hàng lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và nhà tài trợ ODA hàng đầu cho Việt Nam trong EU. Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên tới một quốc gia châu Âu mà Thủ tướng thực hiện kể từ khi nhậm chức, có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Chuyến thăm tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế của Đảng và Nhà nước.

B.T.V