Để có động lực tăng trưởng mới, Việt Nam không nên chỉ xây dựng cơ chế đặc thù cho từng địa phương mà nên tiếp cận từ góc độ kinh tế vùng, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân.
Sáng 27/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng; Nghệ An; Thanh Hóa; Thừa Thiên Huế.
Đồng tình về sự cần thiết của Nghị quyết nêu trên, ông Phạm Trọng Nhân (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương) nói khi Quốc hội thông qua, trên cả nước sẽ có 7 địa phương hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, gồm 3 địa phương đã được trao cơ chế trước đó là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Tuy nhiên, ông Nhân nêu vấn đề "các địa phương hưởng đặc thù sẽ đóng vai mới như thế nào trong chiến lược liên kết vùng, hay vẫn chỉ là một đơn vị trong 63 tỉnh, thành như hiện nay?". Đại biểu này băn khăn, khi ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, "chúng ta đã tính đến sự liên kết giữa các địa phương này với tỉnh, thành lân cận hay chưa?".
Theo ông, cả nước hiện có 16 địa phương thu ngân sách trên địa bàn kết dư (số thu đủ chi và đóng góp vào ngân sách Trung ương) thì chỉ Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng được trao cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. "Nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu. Vấn đề tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn, nhất là khi đất nước vừa trải qua đợt dịch nặng nề. Câu hỏi đặt ra là vì sao không trao cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển, để chúng ta dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng?", ông Nhân nói.
Đại biểu này cho rằng Chính phủ, Quốc hội nên xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm, "bởi đây mới chính là những động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh cho cơ thể vừa trải qua cơn bạo bệnh nhưng luôn mang khát vọng thịnh vượng".
Cùng mạch ý kiến với ông Nhân, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) đề nghị Chính phủ và các địa phương giải trình rõ, khi đề xuất chính sách đặc thù "đã đặt mình tổng thể mối quan hệ với các tỉnh trong địa bàn và trong vùng kinh tế hay chưa?".
Theo bà Hoa, thay vì "đồng phục" trong chính sách sẽ dẫn tới khó áp dụng ở những nơi điều kiện khác nhau, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù đối với những địa phương thuộc các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên hay Tây Nam Bộ. Qua đó sẽ tạo động lực, khai thác thế mạnh, tiềm năng, hình thành trụ cột, đầu tàu cho từng vùng kinh tế.
"Chúng ta cũng có thể nghiên cứu thí điểm chính sách phát triển nông nghiệp chất lượng cao ở hai vùng đồng bằng rộng lớn đối với một số tỉnh", bà Hoa gợi ý.
Ở góc độ tiếp cận khác, đại biểu Cầm Hà Chung (Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ) cho rằng, đất nước thống nhất thì hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phải thống nhất. Mỗi địa phương dù có điều kiện, tiềm năng khác nhau nhưng có mối quan hệ tương hỗ trong quá trình phát triển.
Hiện nay, nhiều địa phương mong muốn cơ chế đặc thù để tháo gỡ điểm nghẽn, thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển. Tuy nhiên, việc giải quyết mong muốn của các địa phương này nếu không ổn thỏa, không có tiêu chí cụ thể sẽ "tạo áp lực" lên Đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của các địa phương chưa được hoặc không được cơ chế đặc thù.
Ông Chung đề nghị xác định quan điểm, tiêu chí rõ ràng, tránh cơ chế xin cho, quyết định cảm tính; trên cơ sở đó Quốc hội xem xét lựa chọn địa phương thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù và sau một thời gian sẽ tổng kết, hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.
Tại kỳ họp lần này, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết với 6 cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và 8 cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thanh Hóa. Các chính sách bao gồm dư nợ vay; ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố; định mức chi thường xuyên; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu từ xử lý nhà, đất; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.
Hoàng Thùy - Viết Tuân
'Việt Nam cần có cơ chế đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm' - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment