Chính phủ đề xuất giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, song nhiều đại biểu cho rằng chỉ nên giữ khoảng 3,2 triệu ha.
Chiều 30/10, Giải trình trước Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nói đến năm 2030, Việt Nam sẽ duy trì diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với cây lương thực khác là hơn 3,5 triệu ha, giảm gần 349.000 ha so với thực tế hiện nay.
Trong số gần 349.000 ha đất lúa bị giảm này, khoảng 48.000 ha chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp.
"Giữ ổn định diện tích đất lúa không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực mà chính là giữ hệ tài nguyên, giá trị đất đai, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được. Khi đã thay đổi tính chất đất này, sẽ không lấy lại được", Bộ trưởng Hà nói và cho rằng nếu khai thác hết quỹ đất lúa thì sẽ không còn không gian đất cho nhu cầu phát triển của thế hệ mai sau.
Bà Mai Thị Phương Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bày tỏ ủng hộ chủ trương của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan trong việc phát triển và cải tạo hệ thống thủy lợi nhằm tăng diện tích lúa ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, thêm gần 70.000 ha trong 10 năm qua.
Đề cập việc nhiều địa phương xảy ra tình trạng chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác nhưng chưa được xử lý nghiêm, bà Hoa đề xuất phải xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực cần chuyển đổi, khu vực cần giữ.
"Theo tính toán của các nhà khoa học thì một ha đất nông nghiệp chuyển sang làm khu đô thị, khu công nghiệp thường kéo theo khoảng một đến 2 ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải. Để phát triển kinh tế cần có quỹ đất dành cho công nghiệp, nhưng phải hạn chế mức thấp nhất việc chuyển đổi từ đất lúa", bà Hoa nêu quan điểm.
Ở góc độ tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng cần mở rộng khái niệm "an ninh lương thực" không chỉ là gạo mà còn là các sản phẩm khác.
"Tôi cho rằng với diện tích đất lúa lớn như quy hoạch đề xuất chỉ mang ý nghĩa về khía cạnh an ninh lương thực và đóng góp cho các ngành sản xuất khác, chứ không có ý nghĩa nhiều với sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, trong đó có vùng sản xuất lúa lớn hiện nay là Đồng bằng sông Cửu Long", ông Phương nói.
Ông phân tích, thực tiễn cho thấy sản xuất lúa hiệu quả thấp, chỉ bằng 1/10 so với thủy sản. Ngành này cũng "rất bấp bênh về hiệu quả, người làm lúa luôn nghèo, tác động môi trường lớn do sử dụng thuốc, phân bón, chiếm không gian các ngành kinh tế khác, chi phí đầu tư công trình cứng như cống, thủy lợi tương đối lớn".
"Làm nông khó giàu, để người dân có thể "ly nông nhưng không ly hương" mới là điều chúng ta cần làm. Còn "ly nông mà ly hương" là vấn đề chúng ta cần tránh", ông Phương nói.
Theo quy hoạch, trong 10 năm tới Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng sản xuất lúa chính. "Như vậy vùng này khó có thể đô thị hóa hoặc phát triển theo hướng công nghiệp nhanh được", ông Phương bày tỏ. Vì vậy, ông đề xuất giảm diện tích lúa đến năm 2030 ở Đồng bằng sông Cửu Long xuống 1,3 đến 1,4 triệu ha, thay vì 1,67 triệu ha như quy hoạch đề ra.
Đồng tình với quan điểm của ông Phương, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy ban Pháp luật, đề nghị chỉ giữ ổn định diện tích trồng lúa cả nước là 3,2 triệu ha. Còn 300.000 ha, Nhà nước cho phép người dân chuyển đổi các loại cây trồng linh hoạt. Việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, ổn định lâu dài. "Chỉ có chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp mới mang lại giá trị kinh tế cao, nông dân dễ tiếp cận", ông nói.
Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 12/11.
Viết Tuân - Hoàng Thùy
'Việt Nam nên giảm diện tích đất trồng lúa' - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment