Bị hãng hủy chuyến bay Tết do dịch bệnh, nhưng tôi phải chờ sáu tháng mới được hoàn tiền, thuế phí vẫn mất, yêu cầu bay bù trong một năm.
Chỉ còn 2,5 tháng là đến Tết Nguyên đán nhưng lúc này, các hãng hàng không hầu như không có kế hoạch và số lượng vé Tết cụ thể như mọi năm. Dù số lượng vé tung ra rất thấp so với năm ngoái, giá vé cũng rẻ hơn 15-20%, nhưng các đại lý cho biết hiện chưa bán được vé trong bối cảnh hành khách sợ cách ly y tế và lây nhiễm Covid-19. Một chuyên gia hàng không tại TP HCM cho rằng, dịp Tết năm nay các hãng hàng không có nguy cơ rỗng máy bay.
Từ góc độ của một người sử dụng dịch vụ hàng không, độc giả TLT chia sẻ nguyên nhân không còn mặn mà với việc mua vé bay Tết năm nay:
Nếu ngành hàng không chịu thay đổi chính sách, phương thức hoàn tiền vé cho hành khách bị hủy chuyến sát ngày bay do dịch bùng phát thì tôi tin người dân sẽ đặt vé trở lại. Thực tế, vì nhiều lý do bất khả kháng như lệnh hạn chế đi lại, hay các địa phương ra quy định mới về việc cách ly người dân đến, nên nhiều người không thế tiếp tục hành trình, chuyến bay bị hủy, nhưng các hãng lại không hoàn tiền ngay lập tức.
Như bản thân tôi Tết năm ngoái cũng có mua vé để về thăm quê cho cả nhà, nhưng vì dịch bùng phát bất ngờ nên hãng hàng không buộc phải hủy chuyến, không bay. Thế nhưng tiền vé của tôi lại không được hoàn trả bằng tiền mặt. Thay vào đó, hãng giữ phần tiền đó trong vòng một năm và yêu cầu mua bay bù vào một dịp khác. Nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương như hiện nay, có lẽ hết năm nay chúng tôi cũng không về được. Như vậy, xem như tiền vé của tôi mất trắng.
>> 'Xét nghiệm khách đi máy bay là lãng phí'
Bên cạnh việc chậm trả tiền, dù các hãng chủ động hủy chuyến bay do nguy cơ dịch bệnh, nhưng khi hoàn lại tiền vé cho khách hàng, các loại thuế, phí đều nằm ngoài danh mục hoàn trả, chỉ hoàn tiền vé. Trong khi thực tế, khoản tiền thuế, phí này còn cao hơn nhiều lần tiền vé.
Tôi mua vé full dịch vụ đến nay đã hơn sáu tháng mới được hãng hoàn trả, thuế phí vẫn bị mất. Hãng nói thu hộ, nhưng phần đó chỉ được hưởng khi hành trình bay được tiến hành. Còn không bay thì khách sẽ không được nhận lại. Chính bởi cách xử lý như vậy, mà nhiều người dân mất dần thiện cảm, tạo nên tâm lý dè dặt, không muốn đặt mua vé trước quá lâu, sợ lại mất tiền oan.
Hoặc một cách xử lý khác, đó là hành khách chúng tôi không cần phải hoàn tiền mặt, nhưng chí ít trên trang web của các hãng hàng không cũng phải thiết kế mục lưu trữ số tiền được hoàn trả, cho kéo dài thời gian sử dụng, khi nào dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn có thể mua vé khác, nếu thiếu sẽ bù thêm sau, còn dư tiền sẽ được tích lũy thanh toán cho những chuyến khác sau này, vì mỗi thời điểm, chặng bay lại có một giá vé khác nhau. Có như vậy mới là bảo vệ quyền lợi của người mua vé.
Nói tóm lại, muốn hàng không thoát cảnh ế ẩm, bản thân các hãng phải thực sự linh hoạt trong việc xử lý bồi hoàn cho khách hàng khi chuyến bay bị hủy do dịch bệnh, không để người tiêu dùng bị mất tiền oan, hay chợ đợi mòn mỏi, chịu nhiều thiệt thòi khi lỗi không thuộc về họ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
'Khách không mua vé máy bay sớm vì chậm hoàn trả tiền' - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment