Rechercher dans ce blog

Saturday, November 13, 2021

Nhà đầu tư làm gì khi lạm phát toàn cầu đồng loạt lên đỉnh? - VietnamBiz

Trong chưa đầy 24 giờ ngày 10 và 11/11, ba cường quốc là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản đều công bố số liệu lạm phát cao bất thường, khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về đường đi nước bước trong thời gian tới.

Bộ Lao động Mỹ sáng 10/11 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với dự báo 5,9% của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát. Đây cũng là tỷ lệ lạm phát theo năm cao nhất kể từ 1990.

So với tháng liền trước, CPI tháng 10 tăng 0,9%, cao hơn so với ước tính 0,6% của các nhà kinh tế.

Nhà đầu tư toàn cầu làm gì khi lạm phát ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đồng loạt lên đỉnh nhiều thập kỷ? - Ảnh 1.

Lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ lên đỉnh 30 năm.

Nếu không kể giá năng lượng và thực phẩm, tỷ lệ lạm phát lõi (core inflation) tháng 10 là 4,6%, cao nhất kể từ tháng 8/1991.

New York Times dẫn lời bà Michelle Meyer, Chuyên gia kinh tế Mỹ tại Bank of America nhận định: "Số liệu lạm phát tháng 10 là rất cao. Điều đáng sợ là áp lực lạm phát đã lan rộng ra nhiều ngành".

Nhiều lĩnh vực cùng đóng góp vào con số lạm phát tháng vừa qua. Giá xe hơi tăng vọt vì nguồn cung của cả xe mới lẫn xe đã qua sử dụng đều đang thiếu hụt. Các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến cho giá đồ nội thất lên cao. Tình trạng thiếu lao động dẫn tới giá dịch vụ tăng nhanh. Tiền thuê nhà cũng đi lên sau một năm 2020 ảm đạm. Giá lương thực và năng lượng còn tăng sốc hơn các nhóm sản phẩm còn lại.

Giá cả lên cao đã tác động xấu tới tâm lý của người dân. Chỉ số niềm tin người tiêu dùng đầu tháng 11 do Đại học Michgan khảo sát rơi xuống còn 66,8 điểm, giảm 6,8% so với tháng 10 và thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Lạm phát là một trong những lo ngại chính của người dân.

NBC News dẫn lời ông Richard Curtin, Kinh tế trưởng của nhóm khảo sát nhận định: "Niềm tin người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất một thập kỷ do lạm phát lên cao và người dân ngày càng tin rằng chưa có chính sách hiệu quả nào được triển khai để giảm thiểu thiệt hại do giá cả tăng gây ra".

Trung bình 1/4 số người tham gia khảo sát cho biết mức sống đã giảm đi vì lạm phát. Một nửa số gia đình dự báo thu nhập thực (sau khi điều chỉnh cho lạm phát) sẽ đi xuống trong năm tới.

"Chuyện tăng giá của nhà ở, xe cộ và các loại hàng hóa lâu bền được người dân nhắc đến nhiều nhất trong vòng hơn nửa thế kỷ qua", ông Curtin nói thêm.

Fed bất biến khi lạm phát vạn biến

Việc xu hướng lạm phát vượt ra ngoài những ngành chịu ảnh hưởng bởi đại dịch như hàng điện tử nhập khẩu hay vé máy bay sang các lĩnh vực ít biến động như giá thuê nhà khiến các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thấy bất an. Tình trạng giá cả lên cao có thể sẽ kéo dài chứ không phải chỉ là tạm thời như các nhà hoạch định chính sách nhận định.

Nguy cơ lạm phát dai dẳng ngày càng hiện hữu khi lao động vẫn đang khan hiếm và tỷ lệ tham gia thị trường việc làm không có dấu hiệu cải thiện, đồng nghĩa với việc chi phí nhân công sẽ vẫn cao.

Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 12/11 cho thấy trong tháng 9 có hơn 4,4 triệu người tự nguyện nghỉ việc, đồng thời các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển thêm hơn 10 triệu lao động.

Cho đến nay Fed đã tránh phản ứng thái quá trước áp lực lạm phát do các vấn đề chuỗi cung ứng gây ra do lo ngại thắt chặt tiền tệ sẽ khiến nền kinh tế chịu tổn thương một cách không cần thiết.

Tuy nhiên nếu giá cả tiếp tục tăng mạnh, Fed nhiều khả năng sẽ phải đẩy nhanh lộ trình cắt giảm bơm tiền cũng như sớm nâng lãi suất từ mức gần 0 như hiện nay.

Nhà đầu tư toàn cầu làm gì khi lạm phát ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đồng loạt lên đỉnh nhiều thập kỷ? - Ảnh 3.

Bà Mary C. Daly, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco cho rằng lạm phát những tháng qua "cao đến mức bất ngờ" nhưng cũng cảnh báo rằng Fed còn phải chú ý tới hàng triệu việc làm đang thiếu hụt trên thị trường lao động.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg Television giữa tuần này, bà Daly cho rằng hiện còn quá sớm để yêu cầu Fed đẩy nhanh lộ trình cắt giảm chương trình mua trái phiếu so với kế hoạch đã thông báo tuần trước. Sau khi chấm dứt hoàn toàn hoạt động bơm tiền thông qua mua trái phiếu, Fed sẽ tính đến chuyện nâng lãi suất.

Thị trường chứng khoán Mỹ lập tức phản ứng mạnh sau khi có số liệu về lạm phát. Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 0,7% và 0,8%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất với 1,7%.

Kỳ vọng lạm phát trong 5 năm tới của thị trường trái phiếu leo lên mức 3,1%, cao nhất từ khi có thống kê số liệu đến nay. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư đang dự báo giá cả trong 5 năm tới sẽ tăng trung bình 3,1% mỗi năm, cao hơn nhiều so với trước khi đại dịch bắt đầu cũng như trên mức mục tiêu 2% của Fed.

Trung Quốc, Nhật Bản lo giá sản xuất nhảy vọt

Hôm 11/11, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo chỉ số giá sản xuất doanh nghiệp (giá bán buôn mà các công ty giao dịch với nhau) trong tháng 10 tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Nhà đầu tư toàn cầu làm gì khi lạm phát ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đồng loạt lên đỉnh nhiều thập kỷ? - Ảnh 4.

Nguyên nhân chính là giá các loại hàng hóa dùng làm nguyên vật liệu đều tăng mạnh. Giá gỗ xẻ hiện cao hơn 57% so với một năm trước, giá than đá và xăng dầu tăng 44,5%.

Cho đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn cố hấp thụ phần chi phí tăng lên do lo ngại việc nâng giá bán sẽ khiến các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu, Reuters cho hay.

Bất chấp áp lực giá cả, Nhật Bản vẫn chưa có ý định giảm các gói hỗ trợ được tung ra từ đầu dịch COVID-19. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cam kết sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cho đến khi lạm phát giá tiêu dùng chạm mức 2%.

Trung Quốc cũng đang phải chống chọi với lạm phát cao kỷ lục. Hôm 10/11, Cục Thống kê Trung ương thông báo chỉ số giá sản xuất tháng 10 tăng 13,5% so với một năm trước, mức tăng mạnh nhất trong 26 năm qua.

Theo Fortune, đây là chỉ số giá mà các nhà bán buôn trả cho nhà sản xuất trước khi hàng hóa rời khỏi cổng nhà máy, chưa kể chi phí vận chuyển và phân phối tới tay người tiêu dùng. Giá sản xuất tăng mạnh chủ yếu do chi phí mua than, dầu và thép lên cao.

Tương tự như tại Nhật Bản, việc giá bán buôn tại Trung Quốc lên cao vẫn chưa ảnh hưởng trực tiếp tới người dân. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 mới chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 0,7% của tháng 9.

Nếu chi phí đầu vào tiếp tục lên cao, người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải trả tiền nhiều hơn khi mua sắm.

Nhà đầu tư toàn cầu làm gì khi lạm phát ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đồng loạt lên đỉnh nhiều thập kỷ? - Ảnh 5.

Ngay lúc này, việc giá sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh đã khiến cho nhiều nước trên thế giới phải lo lắng. Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lạm phát ở Trung Quốc có thể gây ra áp lực lạm phát ở các nước khác, ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á của Mizuho Bank nhận định. Những quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc như Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Bà Jing Liu, chuyên gia kinh tế cao cấp của HSBC nhận định lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc có thể duy trì ở mức cao "trong một khoảng thời gian, có thể là cho đến hết mùa đông". Bà nói thêm với CNN rằng giá năng lượng cũng có khả năng tiếp tục đi lên và dự kiến lạm phát giá tiêu dùng cũng sẽ cao hơn.

Nhà đầu tư làm gì khi lạm phát cao?

Lo ngại chính của nhà đầu tư khi lạm phát lên cao là các ngân hàng trung ương như Fed sẽ giảm bơm tiền và bắt đầu tăng lãi suất để kiểm soát giá cả, đồng thời ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia không có chung nhận định. Tờ MarketWatch cho rằng việc thắt chặt tiền tệ ban đầu có thể khiến thị trường chứng khoán đi xuống hay đi ngang. Nhưng về sau, giá cổ phiếu sẽ phớt lờ thông tin này và tiếp tục xu hướng giá tăng. Nguyên nhân là việc thắt chặt tiền tệ diễn ra vì lý do chính đáng có lợi cho doanh nghiệp: lạm phát cao là biểu hiện của một nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, định giá P/E sẽ trở nên hợp lý hơn với nhiều nhà đầu tư.

Ông Jim Paulsen, Chuyên gia chiến lược thị trường tại công ty nghiên cứu Leuthold nhận định: "Giảm hỗ trợ tiền tệ là một phần tất yếu của quá trình hồi phục, là bước đi kế tiếp sau khi thực hiện các chính sách thành công và nền kinh tế tăng trưởng tốt. Đó là một phần tự nhiên của thị trường giá lên và cho phép thị trường tăng cao hơn. Giảm bơm tiền và nâng lãi suất là một diễn biến tích cực".

5 gợi ý cho nhà đầu tư trong thời kỳ lạm phát:

1. Không lao vào các cổ phiếu phòng thủ

Khi thấy thị trường hỗn loạn, nhiều người tự động tìm đến sự "ổn định" trong các cổ phiếu có tính phòng thủ như hàng tiêu dùng thiết yếu hoặc tiện ích điện, nước. Tuy nhiên đây có thể là sai lầm lớn.

Cổ phiếu phòng thủ là sự lựa chọn tốt khi nền kinh tế suy giảm. Hiện nay, lạm phát lên cao là do nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Một vấn đề khác là các cổ phiếu phòng thủ thường trả cổ tức, và giá trị cổ tức sẽ bị chiết khấu mạnh hơn khi lãi suất tăng.

"Cách tốt nhất để bảo vệ mình trong môi trường lạm phát là gắn chặt danh mục đầu tư với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh. Mua cổ phiếu phòng thủ không có tác dụng gì", ông Jim Paulsen nhận định.

2. Mua cổ phiếu hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ là nguyên nhân đứng sau việc lạm phát lên cao và chính sách tiền tệ thắt chặt nên nhà đầu tư cần mua các cổ phiếu thuận chu kỳ như nhóm ngành sản xuất công nghiệp, nguyên liệu cơ bản, cổ phiếu vốn hóa nhỏ, … "Các cổ phiếu tiêu dùng thiết yếu sẽ không bắt kịp được với thị trường", ông Paulsen nói.

3. Không rời khỏi thị trường chứng khoán

Một số nhà đầu tư cho rằng thị trường sắp xảy ra bán tháo nên quyết định thanh lý toàn bộ danh mục rồi cố gắng mua lại với giá thấp hơn. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, ngay cả những chuyên gia kỳ cựu trên thị trường cũng không thể xác định chính xác từng nhịp lên xuống.

Ông Ed Yardeni, Giám đốc công ty nghiên cứu Yardeni Research nói: "Bạn cần phải đưa ra hai quyết định đúng đắn, đầu tiên là thoát hàng ngay trước khi thị trường điều chỉnh và rồi mua vào đúng lúc. Tôi ít khi thấy ai có thể liên tục làm được cả hai việc này."

Những người cố đoán thị trường thường bán hết sạch nhưng rồi không biết mua vào lúc nào, bỏ lỡ đà tăng của thị trường.

4. Đừng ôm trái phiếu

Giá trái phiếu sụt giảm khi lạm phát và lợi suất tăng. Vì vậy, nhà đầu tư không nên dồn tiền vào trái phiếu trong môi trường lạm phát.

5. Chọn cổ phiếu tài chính - ngân hàng

Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ thường dẫn tới đường cong lợi suất dốc lên nhiều hơn so với trước, tức là lợi suất kỳ hạn dài cao hơn nhiều so với kỳ hạn ngắn.

Do ngân hàng vay ngắn hạn để cho vay dài hạn nên khi đường cong lợi suất dốc lên, lợi nhuận của các nhà băng sẽ khả quan hơn.

Nền kinh tế hồi phục cũng sẽ cho phép các ngân hàng hoàn nhập dự phòng và giảm trích lập cho các khoản nợ xấu, giúp kết quả kinh doanh thêm cải thiện.

Adblock test (Why?)


Nhà đầu tư làm gì khi lạm phát toàn cầu đồng loạt lên đỉnh? - VietnamBiz
Read More

No comments:

Post a Comment

Chủ BOT Pháp Vân than khó vì không có 200, 500 đồng trả lại cho khách - Zing

Trước yêu cầu giảm thuế VAT trong giá vé dịch vụ đường bộ từ 1/2, một số doanh nghiệp dự án than khó vì thời gian chuẩn bị quá gấp và khó là...