Những hành khách trên chuyến tàu đầu tiên rời ga Cát Linh sau lễ bàn giao dự án metro Cát Linh - Hà Đông - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đây là thời khắc đánh dấu tuyến đường sắt đô thị (metro) đầu tiên của Hà Nội và cũng là của cả nước đi vào khai thác sau 10 năm khởi công xây dựng.
Trước đó, tại lễ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết: để đảm bảo việc vận hành khai thác dự án an toàn, hiệu quả, bộ yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo tổng thầu EPC và phối hợp với Công ty Metro Hà Nội khẩn trương hoàn thiện các công việc còn lại và thực hiện công tác bảo hành, bảo trì dự án theo quy định.
Bộ Giao thông vận tải cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với UBND TP Hà Nội trong giai đoạn vận hành khai thác.
Ông Dương Đức Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - tuyên bố tiếp nhận bàn giao dự án metro Cát Linh - Hà Đông từ Bộ Giao thông vận tải và đưa vào khai thác từ sáng 6-11.
Ông Tuấn cho biết giai đoạn 1 (6 tháng đầu, trong đó có 15 ngày đầu chở khách miễn phí): thời gian mở tuyến của metro Cát Linh - Hà Đông từ 5h30, thời gian đóng tuyến 22h; vận hành từ 4 đến 6 đoàn tàu với giãn cách chạy tàu 10-15 phút/lượt.
Giai đoạn 2 (6 tháng tiếp theo): mở tuyến từ 5h30, đóng tuyến 22h30; vận hành 9 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/ lượt.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận bàn giao dự án metro Cát Linh - Hà Đông từ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông - Ảnh: PHẠM TUẤN
Sau lời tuyên bố tiếp nhận metro Cát Linh - Hà Đông của đại diện UBND TP Hà Nội, các khách mời đã lên chuyến tàu đầu tiên để trải nghiệm loại hình vận tải công cộng mới nhất tại Việt Nam.
Sau lễ bàn giao, một số người dân đã đến ga Cát Linh để đi tàu miễn phí. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hải (81 tuổi) cho biết nhà ông ở Cầu Giấy nhưng từ sáng sớm đã đi xe buýt đến ga Cát Linh. "Đây là loại hình vận tải lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nên tôi muốn trải nghiệm sớm" - ông Hải cho biết.
Còn ông Phạm Anh Minh (46 tuổi) cho biết: "Nhà tôi ở đường Nguyễn Trãi ngay cạnh ga metro Cát Linh - Hà Đông, cơ quan ở phố Quán Thánh. Mấy năm nay đều chứng kiến tàu chạy thử. Từ giờ tôi sẽ thử đi tàu đi làm. Từ ga Cát Linh đến cơ quan tôi khoảng 3km. Nếu đi bộ túc tắc từ ga đến cơ quan cũng thay cho tập thể dục" - ông Minh nói.
Trong 15 ngày khai thác đầu tiên, UBND TP Hà Nội miễn phí vé đi tàu cho hành khách để mọi người làm quen với loại hình vận tải công cộng mới mẻ tại Việt Nam.
Các đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác thương mại từ ngày 6-11 sau 10 năm khởi công xây dựng dự án - Ảnh: NAM TRẦN
Để đi tàu metro Cát Linh - Hà Đông, nhân viên tại các ga hướng dẫn khách mua vé tại quầy bán vé tự động. Hành khách dùng tiền mặt đưa vào khe nhận tiền và chọn ga đến, máy sẽ nhả vé bằng thẻ nhựa và tiền thừa (nếu có).
Do hệ thống máy bán vé tự động của dự án chưa tích hợp mua vé bằng thẻ ngân hàng nên ban đầu chỉ bán vé theo hình thức nhận tiền mặt.
Ngoài mua vé tự động, hành khách có thể mua vé trực tiếp tại quầy bán vé tại nhà ga. Sau khi mua vé, khách dùng vé để quẹt, cổng soát vé tự động sẽ mở để khách lên ke ga đợi tàu. Tại ga xuống, khách đưa vé vào khe tại cửa thu vé để ra khỏi ga.
Các đoàn tàu đợi khách tại ga - Ảnh: NAM TRẦN
Theo ông Vũ Hồng Trường - tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), trước khi đưa metro Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động chính thức, 733 nhân sự vận hành khai thác đã diễn tập đầy đủ 63 tình huống trong cứu hộ trong khai thác và đã được tư vấn đánh giá an toàn hệ thống chấp nhận.
"Giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi kilômet thêm 600 đồng. Lần đầu tiên Việt Nam áp dụng khách đi tàu trả tiền theo kilômet, đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít. Giá vé trên đã có trợ giá của Nhà nước" - ông Trường nói và cho biết thêm giá vé ngày là 30.000 đồng/người/vé/ngày, không giới hạn số lượt đi lại; vé tháng có các mức từ 100.000 - 140.000 - 200.000 đồng/tháng/người tùy theo từng nhóm hành khách.
Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn phí.
Để tiếp cận 12 ga tàu Cát Linh - Hà Đông, hành khách có thể sử dụng 55 tuyến xe buýt kết nối theo chiều ngang và chiều dọc với tuyến metro. Ga đầu tuyến Cát Linh và ga cuối tuyến Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Với khách đi xe máy, toàn bộ 12 ga bố trí chỗ gửi để đi tàu.
Người dân bắt đầu được đi tàu Cát Linh - Hà Đông miễn phí 15 ngày đầu - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân Hà Nội xếp hàng trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ngày đầu khai thác thương mại - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân Hà Nội xếp hàng trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ngày đầu khai thác thương mại - Ảnh: PHẠM TUẤN
Người dân Hà Nội trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ngày đầu khai thác thương mại - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân Hà Nội trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong ngày đầu khai thác thương mại - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng nay 6-11, tàu điện Cát Linh - Hà Đông chính thức khai thác - miễn phí vé 15 ngày đầu - Tuổi Trẻ Online
Read More
No comments:
Post a Comment