Mạng lưới được điều hành bởi 21 chủ tịch là Việt kiều, thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào Việt Nam xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Chiều 4/12, Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hoá công nghệ đã ra mắt trong khuôn khổ hội thảo "Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia". Sự kiện do Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, Văn phòng Đề án 844, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức.
Tại sự kiện Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng kỳ vọng sự ra đời của Mạng lưới sẽ giúp thúc đẩy kết nối trí tuệ của lực lượng chuyên gia, trí thức người Việt tại nước ngoài, tối ưu hóa nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước.
Ông Tùng cho biết, mạng lưới có hai định hướng chính. Một là thông tin đầy đủ, cập nhật về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đến cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các thế mạnh của chuyên gia, trí thức kiều bào cũng được tập hợp và công bố để hướng tới các hoạt động liên kết tiềm năng. "Mong những hiểu biết, tri thức, công nghệ của người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được đưa về nước để phát triển kinh tế xã hội", thứ trưởng nói.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN, mạng lưới được hình thành với sự nỗ lực của nhiều bên liên quan, trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm việc với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam tại nước ngoài triển khai chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu. Chương trình thu hút hơn 50 chuyên gia đăng kí tham dự với tư cách "cố vấn" và 62 startup đăng kí tham gia với tư cách "người được cố vấn". Từ đó hình thành mạng lưới kiều bào hỗ trợ với hình thức "Mạng lưới các Hội trí thức hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ".
Mạng lưới sẽ thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào Việt Nam trên thế giới. Hiện đã có 21 vị chủ tịch các Hội tri thức người Việt ở nước ngoài, đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia. Mạng lưới sẽ kết nối với các tổ chức, hiệp hội trong nước, đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến cho Việt Nam và từng địa phương trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho sự phục hồi, tăng tốc, phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.
Các thành viên cũng thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ công nghệ, phát triển thị trường của các làng công nghệ của Techfest và đánh giá khả năng đáp ứng tại thị trường ở nước ngoài thông qua đầu mối là các hội trí thức. Một cơ sở dữ liệu chung về đổi mới sáng tạo và thương mại hoá sản phẩm công nghệ sẽ được tạo lập. Đối với từng lĩnh vực công nghệ sẽ có nhóm kết nối cố vấn, hướng dẫn doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
PGS.TS Phạm Thị Tuyết, Trưởng làng Công nghệ Tài chính (Fintech) của Techfest 2021 mong muốn các trí thức kiều bào sẽ đề xuất với Chính phủ xây dựng khung pháp lý cho Fintech. Hiện các startup Fintech đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai các ý tưởng kinh doanh.
"Ý tưởng càng mới, càng sáng tạo càng khó triển khai do không có khung pháp lý", bà Tuyết nói và cho rằng cần đẩy nhanh cơ chế thử nghiệm sandbox ở các lĩnh vực để thúc đẩy các startup phát triển.
Theo bà Tuyết, mạng lưới trí thức Việt kiều có thế mạnh là hệ thống các chuyên gia, nếu các chuyên gia này tham gia vào đào tạo các chương trình chuyên sâu cho các startup, thì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước sẽ rất phát triển.
TS Hoàng Thị Bạch Dương, Trưởng làng Công nghệ Y tế và Giải pháp sáng tạo chăm sóc sức khoẻ Techfest 2021 mong muốn các trí thức kiều bào sẽ có các hình thức hỗ trợ các startup trong nước để họ có hướng đi rõ ràng, đúng hướng hơn, hành trình tới đích sẽ nhanh hơn.
Bà cũng đề xuất, nên tận dụng lợi thế văn phòng nước ngoài tại Việt Nam tìm kiếm, kết nối chuyên gia trình độ cao, hình thành mạng lưới vững chắc.
GS Lê Bảo Long, Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia công nghệ và phát triển kinh tế Canada đề xuất, cần kết nối chuyên gia bên ngoài mạng lưới để hỗ trợ các startup trong nước, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Bước đầu tiên, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp startup trong nước với nhu cầu cụ thể và cập nhật thường xuyên. Từ dữ liệu này, mạng lưới sẽ kết nối với các chuyên gia phù hợp, các doanh nghiệp có nhu cầu.
Hiện Việt Nam có 3.800 startup với 11 startup được định giá trên 100 triệu USD như Momo, Tii, Tppica Edtech... Năm 2021 có trên 1 tỷ USD đầu tư với 208 quỹ đầu tư đang hoạt động. Để hỗ trợ các startup, một hệ sinh thái được hình thành với 108 tổ chức thúc đẩy kinh doanh/cơ sở ươm tạo và 138 trường đại học/cao đẳng tổ chức về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Ra mắt Mạng lưới kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo - VnExpress
Read More
No comments:
Post a Comment