Rechercher dans ce blog

Tuesday, January 4, 2022

Quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị tính toán lại - Dân Trí Mobile

Dân trí

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô tổng thể, do đó đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của gói.

Đề nghị làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ

Sáng 4/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Chương trình phục hồi kinh tế gồm hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng, hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác.

Ngay sau phần trình bày của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đọc Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên.

Quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị tính toán lại - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Thanh cho biết một số chính sách hỗ trợ dự kiến triển khai nhưng chưa được tính toán vào quy mô hỗ trợ tổng thể của Chương trình. Do vậy, về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, tính toán lại số liệu, làm rõ tổng quy mô của các chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, theo Ủy ban, cần có đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trên.

Về chính sách tài khóa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết cơ quan này tán thành việc chấp nhận thâm hụt NSNN tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1% đến 1,2% GDP trong 2 năm thực hiện chương trình phục hồi kinh tế (2022-2023).

Về chính sách thuế, đa số ý kiến thống nhất với chủ trương miễn, giảm một số loại thuế, phí, trong đó thống nhất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10% nhưng đề nghị rà soát đối tượng áp dụng; cần tập trung vào các ngành, lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, ông Thanh cho biết đa số ý kiến cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng, việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro, do đó, đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, một số ý kiến tán thành với đề xuất nhưng đề nghị giới hạn đối với khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu biện pháp cho trừ bổ sung theo tỷ lệ nhất định trên cơ sở chi phí thực tế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng trong ngắn hạn (chi phí tạo tài sản cố định trong 2 năm 2022 - 2023 và chi phí lao động năm 2022); tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Về chi trực tiếp từ NSNN cho đầu tư phát triển, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết thống nhất việc chi trực tiếp từ NSNN sử dụng để chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ rà soát kỹ danh mục đề xuất, bảo đảm hiệu quả thiết thực, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, phù hợp với khả năng hấp thụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Về nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021, ông Thanh cho biết đa số ý kiến nhất trí việc sử dụng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và đề nghị cần có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tránh trục lợi.

Riêng về chính sách hỗ trợ lãi suất, ông Thanh lưu ý cần tập trung vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng; chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…; quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách.

Còn về tăng thêm hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế tán thành với tờ trình, tuy nhiên cần rà soát khả năng giải ngân, cân nhắc về mức tăng hạn mức cụ thể.

Ủy ban Kinh tế lưu ý gì về chính sách tiền tệ, khả năng trả nợ?

Nêu ý kiến về gói tiền tệ của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cần lượng hóa các giải pháp của chính sách tiền tệ để đánh giá tác động đến nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ông đề nghị xem xét thêm một số vấn đề. Cụ thể như chủ động sử dụng đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất khoảng 0,5% đến 1%, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên.

Việc tiếp tục tái cấp vốn và gia hạn vay tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động cần có giải pháp mang tính khả thi, tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Về huy động nguồn lực, theo ông Thanh, đa số ý kiến tán thành với giải pháp Chính phủ đã đưa ra, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đề nghị báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn. Đồng thời, cần nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau:

Báo cáo rõ tính khả thi của nguồn vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài theo hình thức hỗ trợ ngân sách để huy động ngay trong 2 năm 2022-2023;

Phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ chỉ thực hiện trong trường hợp cấp bách và phải báo cáo cấp có thẩm quyền; đồng thời phải tính toán kỹ chi phí huy động, tác động đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và thanh khoản ngoại tệ; phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước cần có phương án cụ thể; tiếp tục rà soát khả năng huy động các quỹ tài chính ngoài NSNN và năng lực đầu tư của Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước, bên cạnh đó là quan tâm lồng ghép hiệu quả và đẩy nhanh giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị theo dõi sát tình hình và có các kịch bản ứng phó. Đồng thời, cần tiếp tục tính toán các giải pháp căn cơ thực hiện phòng, chống dịch bệnh và dành nguồn lực cho Chương trình; việc vay nợ phải phù hợp với tiến độ sử dụng vốn, phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn; trong trường hợp thu, chi ngân sách nhà nước khả quan hơn, cần nỗ lực duy trì các chỉ tiêu an toàn nợ trong mức cảnh báo...

Nguyễn Mạnh

Adblock test (Why?)


Quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng, Ủy ban Kinh tế đề nghị tính toán lại - Dân Trí Mobile
Read More

No comments:

Post a Comment

Chủ BOT Pháp Vân than khó vì không có 200, 500 đồng trả lại cho khách - Zing

Trước yêu cầu giảm thuế VAT trong giá vé dịch vụ đường bộ từ 1/2, một số doanh nghiệp dự án than khó vì thời gian chuẩn bị quá gấp và khó là...